Trung Quốc ra mắt tàu phá băng tự chế

16/07/2019 - 06:00

PNO - Tàu phá băng thế hệ đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất mang tên Xuelong 2 (Tuyết Long 2) sẵn sàng cho những chuyến thám hiểm vùng cực nam hành tinh.


 

Trung Quoc ra mat tau pha bang tu che
Tàu phá băng Xuelong 2 cập cảng Thượng Hải ngày 11/7

Trong hành trình đầu tiên, dự kiến cuối năm nay, con tàu sẽ đi đến Nam Cực cùng với Xuelong - tàu phá băng đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc, hiện đang hoạt động ở khu vực này. Theo Bộ Tài nguyên Trung Quốc, việc tự đóng tàu góp phần tăng cường khả năng nghiên cứu và thám hiểm vùng cực của cường quốc châu Á này.

Con tàu do tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc và Công ty Công nghệ Bắc cực Aker của Phần Lan thiết kế, Tập đoàn đóng tàu Giang Nam thực hiện. Tàu dài 122,5m và rộng 22,3m, với lượng giãn nước 13.996 tấn và khả năng hoạt động trên phạm vi 20.000 hải lý. Theo truyền thông Trung Quốc, Xuelong 2 có thể chở 99 người, hai máy bay trực thăng. Hệ thống năng lượng giúp tàu duy trì các cuộc thám hiểm trong 60 ngày. Hu Keyi - Giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn đóng tàu Jiangnan - nói, Xuelong 2 có thể bẻ lái nhanh và phá vỡ lớp băng dày tới 1,5m ở cả hai hướng, bằng mũi tàu và đuôi tàu.

Qin Weijia - Giám đốc phụ trách nghiên cứu về cực của Cơ quan Đại dương nhà nước Trung Quốc - khẳng định, Xuelong 2 sẽ giữ nhiệm vụ chính trong khảo sát môi trường đại dương và nghiên cứu khoa học của Trung Quốc ở các vùng cực. Việc chế tạo tàu bắt đầu vào tháng 12/2016. Các chuyên gia tin rằng, Xuelong 2 là viên gạch mở đường cho Trung Quốc chế tạo tàu phá băng hạng nặng, chạy bằng năng lượng hạt nhân, với tầm hoạt động toàn cầu.

Xuelong 2 được đưa vào vận hành trong lúc cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng trên nhiều mặt trận, bao gồm cả vùng cực bắc. Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt qua việc hợp tác với Nga, được Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo mô tả là hành vi “hung hăng”, biến vùng cực thành một đấu trường quyền lực toàn cầu.

Hôm thứ Tư, ngày 10/7, trong một bài viết trên Defense One - cổng thông tin quân sự trực tuyến của Mỹ, chỉ huy hải quân hàng đầu của Mỹ ở châu Âu - Đô đốc James Foggo III - cho biết, Trung Quốc đang tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn ở Bắc Cực, và mô tả tham vọng của Trung Quốc là một trong những thách thức khiến nơi đây “nóng lên”. Ông viết: “Dù Trung Quốc cách hơn 1.200km về phía nam của vòng Bắc Cực, đất nước này từ lâu đã quan tâm đến các nguồn tài nguyên quanh khu vực”. Trước đó khoảng một tuần, Đô đốc James Foggo III đã cùng tàu ngầm tên lửa đạn đạo USS Alaska có chuyến thăm căn cứ tàu ngầm Hải quân Hoàng gia tại Fastlane, Scotland - vị trí chiến lược gần cửa ngõ vào Bắc Băng Dương.

Ông James còn tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện tích cực tại Bắc Cực, trong bối cảnh khu vực trở nên dễ tiếp cận hơn, nhằm bảo vệ người dân Mỹ, lãnh thổ và chủ quyền, cũng như các tài nguyên, lợi ích tự nhiên của Mỹ và các đồng minh thân cận.

Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ ở Bắc Cực hay Nam Cực, nhưng điều đó không ngăn được tham vọng của Bắc Kinh về việc thiết lập chỗ đứng ở các vùng cực được cho là có trữ lượng lớn tài nguyên khoáng sản giá trị cao. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn nói lợi ích chính của họ ở các vùng cực là “nghiên cứu khoa học”, đặc biệt về biến đổi khí hậu, như một phần của lợi ích toàn cầu. Từ năm 1985, Trung Quốc đã thiết lập bốn trạm nghiên cứu ở Nam Cực và một trạm ở Bắc Cực. Trạm thứ sáu hiện đang được xây dựng trên đảo Inexpressible trong vịnh Terra Nova ở biển Ross, Nam Cực.

Những năm gần đây, các công ty Trung Quốc cũng hoạt động ngày càng tích cực ở Bắc Cực, theo sáng kiến “Con đường cực bắc” - phần mở rộng của sáng kiến Vành đai và Con đường mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra. Các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu hợp tác với đối tác Nga để phát triển cảng và nhiều cơ sở khác dọc theo tuyến đường thủy của Nga ở biển Bắc. Sự nóng lên toàn cầu đã làm tăng tiềm năng thương mại của tuyến đường nằm hoàn toàn trong vùng biển Bắc Cực này. Ở khía cạnh khác, Nga cũng thận trọng thu hút đầu tư từ Trung Quốc, để cùng phát triển khu vực này, như một phần trong nỗ lực bù đắp áp lực trừng phạt từ phương Tây, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2013. 

 (theo Xinhua, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI