Trung Quốc phá môi trường Biển Đông: Đến sinh vật cũng "sốc"!

12/10/2015 - 06:16

PNO - "Môi trường nào, sinh vật nấy", môi trường biến đổi thì sinh vật biến đổi và sự biến đổi mạnh, đột ngột sẽ làm sinh vật bị "sốc".

Đó là lời của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Chủ nhiệm Hội Thiên nhiên và Môi trường Biển, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ với Phunuonline hôm 10/10 xung quanh vấn đề Trung Quốc đang phá hoại môi trường Biển Đông thông qua việc cải tạo đảo trái phép ở Trường Sa.

PV: - Thời gian qua, Trung Quốc liên tục tiến hành cải tạo đảo trái phép ở ngoài Biển Đông. Nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài đều khẳng định, động thái của Trung Quốc không những ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng mà còn phá hoại môi trường, sinh vật biển. Quan điểm của ông về vấn vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: - Vấn đề cải tạo trái phép các bãi cạn, rạn san hô thành đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã diễn ra liên tục từ năm 2014, mặc dù không ít lần các nhà lãnh đạo nước này tuyên bố đã "dừng" xây dựng các đảo nhân tạo.

Động thái "vội vàng" giành lấy sự kiểm soát một vùng biển quan trọng về mặt chiến lược và có các hệ sinh thái biển quan trọng nhất trong Biển Đông, Trung Quốc đã phớt lờ các tác động đến những rạn san hô, thảm cỏ biển và những hệ sinh thái biển nông ở quần đảo Trường Sa, đang bị phá huỷ và chôn vùi một cách nhanh chóng.

Rạn san hô và thảm cỏ biển ở đây là những hệ sinh thái có năng suất cao, hỗ trợ cuộc sống của hàng trăm triệu cư dân ven Biển Đông. Cuộc sống của người dân phụ thuộc rất nhiều vào các hệ sinh thái biển nông này từ thời cổ xưa cho tới nay. Sự đa dạng của các loài san hô trong khu vực này không nơi nào trên thế giới có thể bì kịp với hơn 500 loài san hô tạo rạn được phát hiện tính đến năm 2014.

Nhờ đó, quần đảo Trường Sa đóng vai trò như một "nhà máy" sản xuất chất dinh dưỡng giúp duy trì sự sống trong Biển Đông. Và đây cũng là trung tâm phát tán, cung cấp các nguồn giống hải sản cho phần lớn Biển Đông để duy trì nghề truyền thống của các nước trong khu vực.

Các hành vi trên của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên vốn có của các bãi cạn, đá, rạn san hô và rạn san hô vòng (alton) ở quần đảo Trường Sa, mà còn "cắt đứt" mối liên kết sinh thái giữa quần đảo này với phần còn lại của Biển Đông.

Trung Quoc pha moi truong Bien Dong: Den sinh vat cung
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Chủ nhiệm Hội Thiên nhiên và Môi trường Biển, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Điều này gây ảnh hưởng rộng hơn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng, nguồn giống và nguồn lợi thủy sản cho phần lớn Biển Đông và các vùng biển phụ cận của các quốc gia trong khu vực.

Việc hoàn tất các sân bay, bến cảng và các căn cứ hậu cần hiện đại, quy mô lớn trên các bãi Chữ Thập, Gạc Ma, Su Bi,… ở quần đảo này cho thấy Trung Quốc đang thực hiện ý đồ chiếm đóng lâu dài quần đảo Trường Sa, tạo thế trận khống chế các quốc gia trong khu vực và tuyến hàng hải quốc tế, hàng không qua Biển Đông.

Điều này sẽ cản trở quyền tự do hàng hải và hàng không trong một vùng biển quan trọng của thế giới, đe dọa trực tiếp đến an ninh biển, trời đối với các quốc gia trong khu vực.

PV: - Đầu tháng 10/2015, một tổ chức phi chính phủ đã gửi đơn lên Liên Hợp Quốc đề nghị điều tra Trung Quốc phá hoại môi trường Biển Đông. Ông bình luận như thế nào về động thái này? Nếu đề xuất này được chấp nhận, theo ông, việc xác định các bằng chứng chứng tỏ việc cải tạo đảo của Trung Quốc ảnh hưởng tới môi trường Biển Đông có thể được thực hiện như thế nào, có vướng mắc khó khăn gì không?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: - Đây là một phản ứng "tất yếu" và thực tế, vì nhiều nhà khoa học cho rằng, những hành vi thái quá của Trung Quốc ở Trường Sa làm thay đổi vị trí pháp lý và trạng thái tự nhiên của các thực thể tự nhiên với "thâm ý" về chủ quyền lâu dài.

Các tác động môi trường trong quá trình xây dựng các đảo nhân tạo, sự phá hủy cấu trúc và các chức năng tự nhiên vốn có của các rạn san hô ở đây,… như là một "tội xâm lược môi trường" mà hành vi của nó là gây ảnh hưởng nghiêm trọng trước mắt và lâu dài đến nghề cá khu vực Biển Đông, trong đó có Trung Quốc.

Các hành vi này đã bị thế giới lên án trong thời gian vừa qua ở nhiều diễn đàn. Và nếu được Liên Hiệp Quốc quan tâm chấp nhận thì việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đánh giá quốc tế để minh bạch hóa các tác động do các hoạt động nói trên của Trung Quốc là cần thiết. Về mặt khoa học không phải khó nhưng cần một thiện chí chính trị và hợp tác thực sự từ phía Lãnh đạo Trung Quốc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI