Trung Quốc phá môi trường Biển Đông: "Cá đi hết rồi..."

31/12/2015 - 06:26

PNO - Đã có nhiều cảnh báo của chuyên gia về việc Trung Quốc cải tạo đảo sẽ làm sụt giảm sản lượng thủy hải sản. Dường như dự báo đã thành sự thật.

Ra Trường Sa, hỏi cá đi đâu mất

Chia sẻ với Phunuonline vào chiều ngày 28/12, ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản Bình Thuận cho biết, tổng sản lượng khai thác năm 2015 của địa phương không giảm nhưng trong cơ cấu sản phẩm khai thác thì hàng chất lượng lại mỗi năm mỗi giảm, cạn kiệt đi.

Nhiều con cá, tôm có giá trị cao trước đây thấy rất nhiều thì giờ không còn nữa. Việc sản lượng đạt chỉ tiêu cũng đặt ra dấu hỏi bỏ ngỏ, khi mà lượng tàu thuyền của ngư dân tăng qua các năm nên việc sản lượng khai thác cũng khó có thể phản ánh đúng thực trạng trữ lượng hải sản vùng biển mà người dân Bình Thuận khai thác.

"Trữ lượng hải sản khai thác ở Trường Sa năm nay chỉ bằng 80% năm ngoái thôi. Nhiều ngư dân đánh bắt ở Trường Sa về, tôi có tới thăm hỏi thì được các ông nói rằng: "Cá năm nay ở đâu, mất hết" - ông Huy kể. 

Trung Quoc pha moi truong Bien Dong:
Ngư dân của Việt Nam kêu khó vì không thấy cá đâu.

Nguyên nhân của việc trữ lượng hải sản sụt giảm được ông Huy cho rằng: Trung Quốc cải tạo đảo trái phép làm cho môi trường biển bị biến động, hàng ngàn diện tích san hô bị biến mất làm ảnh hưởng tới đời sống của tất cả các loài ở vùng Biển Đông. San hô giống như làng quê ở Việt Nam, các loài sống ở đó để sinh con, đẻ cái, giờ san hô bị phá thì cá không còn chỗ ở nữa thì các loài biết đi về đâu?

Một nguyên nhân khác cũng được ông Huy nhắc tới là do việc khai thác vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Ông Huy nói:

"Chỉ cần đến mùa khai thác cá nam sắp tới (mùa con cá đi từ ngoài khơi vào trong vùng ven biển, gần bờ sinh sản, diễn ra từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm) là biết tay nhau liền. Đây là mùa chủ yếu để ngư dân khai thác hải sản, nhưng theo báo chí phản ánh về những động thái mà Trung Quốc làm ở khu vực biển Đông, có hàng chục ngàn hecta san hô bị phá hủy thì chắc chắn ngư dân Bình Thuận không còn cá mà khai thác".

Ngư dân kêu khó

Nói về việc đánh bắt cá trong năm 2015, nhiều ngư dân ở huyện Thăng Bình - Quảng Nam đều than khó trong việc đánh bắt bởi hiện nay nhiều vùng biển của Việt Nam trữ lượng cá đã xuống rất thấp. Ông Nguyễn Văn Thành (42 tuổi, một ngư dân ở huyện Núi Thành) chia sẻ, thời điểm hiện tại đang vào mùa săn tôm hùm - một loài hải sản có giá trị cao.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì việc đánh bắt tôm hùm trở nên khan hiếm hơn. "Những năm 2000, việc đánh bắt hải sản của chúng tôi vô cùng thuận lợi khi chỉ cần đánh bắt ở gần bờ, còn bây giờ thì phải ra giáp với vùng biển của nước bạn để đánh bắt".

Trung Quoc pha moi truong Bien Dong:
Trữ lượng cá ở Biển Đông giảm sút là do Trung Quốc cải tạo đảo trái phép (Ảnh: Rappler).

Người dân ở huyện Thăng Bình còn cho biết, các loài hải sản úy hiếm cũng khó đánh bắt hơn. "Trước đây, mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng 1 tuần thì giờ chúng tôi phải tăng thời gian lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 mới đánh bắt sản phẩm đầy thuyền để trở về. Sản lượng thì vẫn thế nhưng chi phí phải bỏ ra nhiều hơn những năm trước rất nhiều" - ông Thành nói.

Anh Đào Thành Tùng (35 tuổi, một ngư dân khác ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng xác nhận, việc đánh bắt hải sản trong năm 2015 trở nên vô cùng khó khăn vì các loài khan hiếm. "Mỗi lần ra khơi về chúng tôi vẫn tương truyền nhau câu nói: "Không hiểu cá đi đâu hết rồi mà đánh bắt hoài không thấy". Không ai có thể trả lời được cho câu hỏi đó. Nước ta vẫn được coi có biển bạc mà giờ chắc chỉ còn là chì thôi" - anh Tùng chua chát nói.

Anh Tùng cho biết, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nhưng đánh bắt không đạt được như năm trước. Thời điểm năm 2008, nhiều chủ tàu ở đây làm ăn rất đạt, có phiên đánh bắt chỉ một tháng cho thu nhập 350 triệu, phiên ít nhất cũng vài trăm triệu đồng.

Ngư dân rất phấn khởi, có tiền sửa chữa máy móc và các thiết bị như máy dò cá, hệ thống thông tin liên lạc; bạn chài gắn bó lâu dài với chủ tàu. Nhưng hiện giờ tàu đánh bắt gần bờ hay xa bờ cũng không mấy thuận lợi, cá tôm ít dần, giá cá giảm mạnh, ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Chi Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI