Trung Quốc: Nhiều tỉnh, thành thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng” đối với công chức

12/01/2022 - 18:13

PNO - Nhiều công chức ở các tỉnh, thành của Trung Quốc dự kiến sẽ có một cái Tết Nguyên đán sắp tới rất đơn giản, khi chính quyền các địa phương đang nỗ lực cắt giảm chi phí từ thành phần lao động trong lĩnh vực công, với mức giảm mạnh nhất trong một thập niên qua.

Ngay cả khi các biện pháp hạn chế đi lại do dịch COVID-19 được nới lỏng, thì Timothy Tian - một công chức ở tỉnh Chiết Giang thuộc miền Đông Trung Quốc - vẫn sẽ không có đủ tiền để đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến, vì mức lương hàng tháng của anh đã bị giảm khoảng 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đồng), xuống còn 5.000 nhân dân tệ.

Thí sinh thi công chức chờ làm bài thi ở Vũ Hán. Năm ngoái, có 2,1 triệu người nộp đơn xin việc - Ảnh: AFP
Thí sinh thi công chức chờ làm bài thi ở Vũ Hán. Năm ngoái, có 2,1 triệu người nộp đơn xin việc - Ảnh: AFP

“Tổng số tiền lương bị cắt giảm của tôi là khoảng 25%, và với tình hình hiện nay, tôi không mong đợi nhiều về khoản tiền thưởng cuối năm nay”, Tian chia sẻ.

Giống như hàng triệu công chức khác ở Trung Quốc, ngoài việc bị giảm lương cơ bản, năm nay, Tian cũng không còn được nhận các khoản phụ cấp theo đặc thù công việc, chức vụ, và tiền thưởng theo hiệu quả làm việc nữa.

Theo tờ SCMP, mức lương cơ bản của công chức ở Trung Quốc hiện khá thấp. Ngay cả các quan chức cấp bộ cao nhất cũng chỉ được trả chưa đến 9.000 nhân dân tệ (tương đương 32 triệu đồng) một tháng, trong khi các quan chức cấp bộ bình thường có mức lương tháng trung bình khoảng 5.000 nhân dân tệ.

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ ở Trung Quốc thường được nhận thêm các phụ cấp khác - chẳng hạn như phụ cấp về nhà ở, giao thông, giáo dục, viễn thông, chăm sóc trẻ em, trợ cấp y tế - và các khoản tiền thưởng cuối năm.

Tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cho biết việc thắt chặt chi tiêu của chính phủ là cần thiết, nhằm vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Ông Lý cũng lưu ý rằng, từ năm 2016, Trung Quốc đã giảm nguồn thu từ thuế và phí đến 8.600 tỷ nhân dân tệ, và cho biết quá trình cắt giảm này cần được tiếp tục, để chính phủ có thể tạo ra nhiều lợi ích hơn cho các doanh nghiệp, từ đó tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê mới nhất của chính phủ Trung Quốc, đến cuối năm 2015, nước này có 7,1 triệu công chức.

Theo Alfred Wu - phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore - việc các tỉnh ở Trung Quốc đang “mạnh tay” thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng” đối với công chức chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, và sự ảm đạm của thị trường nhà ở trong thời gian gần đây, khiến cho các chính quyền địa phương gặp khó khăn về tài chính.

Tuy chính quyền Trung ương của Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ rót thêm ngân sách cho các địa phương để giải quyết tình trạng nói trên, đến tháng 11 năm ngoái, có đến 30 trong số 31 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương ở nước này vẫn bị thiếu hụt ngân sách (thành phố duy nhất thặng dư ngân sách là Thượng Hải), theo một báo cáo tổng hợp về tình hình tài chính của các tỉnh thành.

Trong khi đó, có đến 18 tỉnh - chủ yếu ở miền Tây, miền Bắc và miền Trung Trung Quốc - ghi nhận mức thâm hụt lớn hơn tổng thu nhập, trong đó Tây Tạng dẫn đầu bảng với mức thâm hụt hơn 177 tỷ nhân dân tệ, gấp hơn 7 lần thu nhập của địa phương này.

Trong một bài báo được xuất bản vào tháng trước, Lâm Thái Y - giáo sư kinh tế của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải - ước tính các khoản nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã lên đến con số 30.000 tỷ nhân dân tệ, tính đến tháng 10 năm ngoái, tương đương với việc trung bình mỗi người dân nước này phải “gánh” một khoản nợ 21.000 nhân dân tệ.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI