Trung Quốc: Nhiều người mắc COVID-19 mất việc làm, nhà cửa vì bị kỳ thị

08/08/2022 - 06:52

PNO - Tại Trung Quốc, nơi áp dụng chính sách không khoan nhượng với COVID-19, những người không may nhiễm bệnh thường bị mọi người cô lập, chê bai.

 

Một cô gái đang được nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 trên đường phố, ở Thượng Hải,
Một cô gái đang được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Thượng Hải

Gần đây, không ít người dân tại Trung Quốc đăng tải trên Weibo (mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc) chia sẻ câu chuyện bị kỳ thị sau khi mắc COVID-19. Một số người cho biết đã mất nhà cửa và sinh kế vì sự phân biệt đối xử trên.

Cựu công nhân tại một cơ sở cách ly do chính phủ điều hành ở Thượng Hải yêu cầu giấu tên tâm sự đã ngủ trên đường trong những ngày tháng 6, chỉ vì anh không thể tìm được việc làm hoặc nhà ở sau khi bị nhiễm bệnh.

Anh tâm sự các doanh nghiệp đều mong muốn được tuyển dụng ứng viên chưa từng mắc COVID-19, nên dù đã ứng tuyển ở kha khá công ty tại Thượng Hải và các thành phố lân cận nhưng anh vẫn chưa thoát khỏi viễn cảnh thất nghiệp.

Trước đó, một phụ nữ có biệt danh A Fen, cũng chia sẻ đang sống tại nhà ga vì cô không thể kiếm được việc làm sau lần bị nhiễm bệnh.

Sự kỳ thị COVID-19 đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nhất là trong thời kỳ đầu của đại dịch, khi mọi người không biết mình sẽ ra sao khi mắc bệnh và nỗi sợ bị lây nhiễm. Bước sang năm thứ 3 dịch bệnh hoành hành, tuy sự kỳ thị có giảm bớt nhưng vẫn không hoàn toàn biến mất trong suy nghĩ của phần lớn người dân tại đây.

Khác với hầu hết mọi người trên toàn thế giới đều có bạn bè, gia đình và đồng nghiệp bị nhiễm bệnh và bình phục nên họ đã dần quen với việc chung sống với dịch, Trung Quốc chỉ có khoảng 6/10.000 người được chẩn đoán mắc COVID-19. Chính vì vậy, người dân vẫn còn có cái nhìn khá khe khắt.

Bà Chen Yaya, một nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, cho biết chính sách zero-COVID cùng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt là yếu tố chính dẫn đến sự kỳ thị. Bà nói thêm, nếu không thay đổi phương pháp tiếp cận dịch bệnh, sự phân biệt đối xử vẫn sẽ tiếp tục.

Minh Hương (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI