Trung Quốc: Nhân viên y tế căng mình chống dịch

06/04/2022 - 12:18

PNO - Nhiều nhân viên y tế của Trung Quốc đang phải làm việc quá tải khi tham gia các công tác phòng chống dịch theo chính sách “zero - COVID" của nước này, và không ít người đã thiệt mạng vì kiệt sức.

Suốt 2 năm qua, Bai Xiaohui (họ Bạch) - Phó trưởng phòng xét nghiệm y khoa của một bệnh viện lớn ở Trung Quốc - đã đi đến hầu như bất cứ nơi nào trên đất nước, nơi đang có dịch COVID-19 xuất hiện, nhằm góp phần thực hiện chiến lược dập tắt ngay những đợt bùng phát dịch dù nhỏ nhất.

nhiều nhân viên y tế Trung Quốc đang phải làm việc với áp lực cao và thậm chí phải hy sinh tính mạng của mình cho công tác chống dịch theo chính sách “zero-COVID”
Nhiều nhân viên y tế Trung Quốc đang phải làm việc với áp lực cao và thậm chí phải hy sinh tính mạng cho công tác chống dịch theo chính sách “zero-COVID”

Khi hàng triệu người dân ở Bắc Kinh và Hà Nam được xét nghiệm COVID-19 hàng loạt, thì cũng là lúc Bạch và các đồng nghiệp của cô đã phải căng mình trong phòng làm việc, đôi khi kéo dài đến tận nửa đêm, để kiểm tra và báo cáo các kết quả.

Vào đầu tháng 3, khi dịch tấn công vào quê nhà của Bạch ở tỉnh Sơn Đông, nằm trên bờ biển phía đông của Trung Quốc, cô đã được đưa đến thành phố cảng Uy Hải ngay trong đêm. Tại đây, một khóa đào tạo về truyền thông xã hội trong nhiều ngày đã trở thành một sự kiện có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Vào ngày 19/3, lúc 3g sáng, sau khi hoàn thành ca trực đêm của mình, Bạch đã trở về khách sạn. Nhưng sau giờ ăn trưa của ngày hôm đó, đồng nghiệp của Bạch không thể liên lạc với cô qua tin nhắn điện thoại nữa.

Đến 11 giờ tối, vì lo lắng cho Bạch, một đồng nghiệp của cô đã yêu cầu nhân viên khách sạn mở cửa vào phòng của Bạch. Cô được tìm thấy nằm trên sàn nhà tắm trong tình trạng không còn mạch và tim đã ngừng, nguyên nhân được cho là do căng thẳng.

Theo trang Foreign Policy, Bạch là một trong số nhiều nhân viên y tế Trung Quốc đang phải làm việc với áp lực cao và thậm chí phải hy sinh tính mạng của mình cho công tác chống dịch theo chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc. Để khống chế số ca nhiễm ở mức thấp nhất, đội ngũ này phải gánh vác một khối lượng công việc khổng lồ, và với cường độ cao về thời gian.

Trong năm 2021, đã có ít nhất 10 nhân viên y tế ở Trung Quốc tử vong do làm việc quá sức.

Việc đội ngũ nhân viên y tế phải tập trung cho các công tác phòng chống dịch còn dẫn đến tình trạng nhiều bệnh nhân khác phải mất mạng, do không được chăm sóc y tế kịp thời. Vào tháng 12/2021 và tháng Một năm nay, tại thành phố Tây An thuộc miền Tây Bắc, một người đàn ông 61 tuổi và hai đứa trẻ chưa chào đời đã tử vong vì lý do này.

Do có sự xuất hiện của biến thể Omicron rất dễ lây lan, tính từ đầu tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới. Tuy số ca nhiễm mới tăng mạnh, nhưng hầu hết đều có các triệu chứng nhẹ, một phần nhờ nước này đã đạt tỷ lệ tiêm chủng gần 90%. Điều này khiến nhiều người Trung Quốc đặt câu hỏi liệu có nên tiếp tục thực hiện chính sách “zero-COVID” hay không.

Tại Thượng Hải, thành phố đông dân nhất của Trung Quốc và là nơi có nhiều bệnh viện hàng đầu của đất nước, các nhân viên y tế đang gặp khó khăn trong việc đối phó với số ca nhiễm mới đang tăng mạnh. Trong tất cả các khu vực cấp tỉnh ở Trung Quốc, Thượng Hải có tỷ lệ nhân viên y tế trên 1.000 dân cao thứ 3. Tuy nhiên, đến nay, hơn 38.000 nhân viên y tế từ nơi khác đã được điều đến thành phố này để đối phó với đợt bùng phát dịch gần đây.

Một số nhân viên y tế ở Thượng Hải, nơi hàng chục ngàn cư dân đã bị nhiễm COVID-19 từ tháng 3 năm nay, gần đây đã nói với DXY (một hãng tin Trung Quốc chuyên về chăm sóc sức khỏe), rằng các bệnh viện nơi họ làm việc hiện đang thiếu nhân sự trầm trọng. Nhiều đồng nghiệp của họ được kêu gọi tham gia các đợt xét nghiệm hàng loạt cho người dân, trong khi một số nhân viên y tế cũng đã bị nhiễm bệnh và được cách ly.

Một bác sĩ ở Thượng Hải cho biết các nhân viên y tế tại thành phố này hiện đang phải làm việc từ 5g sáng và đến 8g tối mỗi ngày.

“Tôi không nhớ lần cuối cùng tôi có ngày nghỉ là khi nào”, một nhân viên y tế yêu cầu giấu tên cho biết. Trước đây, cô phụ trách y tế tại một ký túc xá đại học ở phía đông thành phố Tô Châu. Nhưng khi dịch bùng phát, tòa nhà này đã được chuyển đổi thành một địa điểm cách ly cho những người đã có tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19.

Và nhiệm vụ hiện nay của cô là quản lý khu vực cách ly có khoảng 700 người này, thu xếp nguồn thực phẩm và nước uống cho họ, đồng thời giúp các nhân viên y tế xét nghiệm cho mọi người. Cô và các đồng nghiệp còn được giao việc tổ chức các đợt xét nghiệm COVID-19 cho cư dân ở các cộng đồng lân cận.

Nhất Nguyên (theo Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI