Trung Quốc mở xưởng mua thanh long trái phép: Người Việt làm thuê

31/03/2016 - 13:41

PNO - Bằng các chiêu trò, các thương lái người Trung có thể nhanh chóng "hạ gục" các xưởng thu mua người Việt, biến họ trở thành người làm thuê cho mình.

Khi xuất hiện các thông tin về việc năm nay nhiều thương lái Trung Quốc tiếp tục tới tận các vùng trồng thanh long lớn, mượn danh người dân địa phương để xây kho lạnh, nhà xưởng thực hiện chiêu trò ép giá, xuất khẩu qua biên giới khiến người dân vô cùng hoang mang.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM về việc này, Phó Chi cục trưởng quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận - ông Nguyễn Doanh Điền cho hay: "Năm ngoái cũng đã xuất hiện thông tin này và đã phát hiện một số trường hợp. Hiện nay đơn vị cũng đang cho tiến hành kiểm tra. Vừa rồi cũng đã tiến hành phạt một người Trung Quốc".

Được biết, người Trung Quốc này đã có hành vi kinh doanh trái phép trên lãnh thổ Việt Nam 25 triệu đồng và tịch thu 2 tấn thanh long đã đóng gói.

Trung Quoc mo xuong mua thanh long trai phep: Nguoi Viet lam thue
Thanh long Bình Thuận. Ảnh: Internet

Theo ông Điền: "Chúng tôi kiểm tra để phát hiện sai sót trong kinh doanh, thuế và trong quản lý người nước ngoài, các sai phạm thì chủ yếu là tiến hành xử phạt hành chính".

Phó Chi cục trưởng quản lý thị trường cũng cho rằng, các thương lái Trung Quốc đi vào bằng con đường du lịch việc kiểm soát cũng khó khăn hơn, còn một số khác cũng được cấp giấy phép lao động do có sự bảo lãnh của công ty.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo vào tháng 9/2015, người phát ngôn Công an tỉnh Bình Thuận đã cho biết, thời gian qua nhiều người mang quốc tịch Trung Quốc, thông qua các công ty dịch vụ du lịch, lữ hành tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh,… đã tiến hành xin cấp thị thực làm việc tại Bình Thuận nhưng thực chất là để thu mua thanh long.

Có thời, người nông dân Bình Thuận từng đổi đời, khá giả nhờ cây thanh long. Nhưng cũng chính loại cây này khiến họ phải mang nợ nần chồng chất, thậm chí điêu đứng, trắng tay bởi các chiêu trò của Trung Quốc. Vào thời điểm năm 2015, có khoảng 80% sản lượng thanh long Bình Thuận được xuất sang thị trường Trung Quốc.

Những năm trước báo chí cũng đã phản ánh về chiêu trò, dẫn chứng một trường hợp cụ thể khiến người dân điêu đứng trước các chiêu trò của Trung Quốc. Đó là trường hợp của ông Tư Chẩn ở thôn Ninh Thuận (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết: Sáng sớm họ mua 6.000đ/kg - 8.000đ/kg, nhưng trưa, chiều đã hạ xuống còn 3.000 - 4.000 đồng, không bán thì đành vứt bỏ hoặc đổ cho bò ăn.

Hơn nữa, trái thanh long đã cắt, nếu để lâu càng thêm lỗ nặng, hư hỏng. Người dân cho biết, nếu thanh long bán giá khoảng 12.000đ/kg thì người trồng hòa vốn, còn dưới mức đó thì tiền vay ngân hàng, phân bón, làm cỏ, điện hạ thế, chong đèn, thuê nhân công tưới, hái… coi như lỗ nặng, nợ ngập tận cổ sau mỗi vụ thanh long.

Ngoài ra, đối với một xưởng thu mua của người Việt, các thương lái này lại có cách riêng để nhanh chóng "hạ gục", biến các đối thủ trở thành người làm thuê cho mình.

Đầu tiên, thương lái Trung Quốc dùng chiêu đặt hàng với số lượng lớn, liên tục trong một thời gian. Điều đặc biệt, số lượng đặt hàng bao giờ cũng vượt khả năng của vựa đó. Lúc này để đáp ứng nhu cầu của đối tác, chủ cơ sở Việt sẽ mở rộng nhà xưởng, đầu tư mua xe để làm ăn lớn.

Nhưng đến khi đối tác rút hết hầu bao để đầu tư, thương lái Trung Quốc lại dừng mua, hạ giá với các lý do trái cây vào mùa nhiều, hàng kém chất lượng,... lúc này các nhà vườn tất nhiên trở nên khốn đốn, thiệt hại nặng nề. Khi đó chủ vựa chỉ còn lựa chọn cách bán lại với giá rẻ hoặc quay ra trở thành người làm thuê, đứng ra thu gom thanh long cho các thương lái người Trung.

Các chiêu trò này được phản ánh không ít trong các năm trước đây. Tại chính "thủ phủ" thanh long Bình Thuận khi xuất hiện thương lái Trung Quốc, ông Nguyễn Doanh Điền cho biết, đơn vị đã đưa ra các cảnh báo, tuyên truyền cho người dân bằng các loạt bài báo phản ánh của địa phương kết hợp với việc kiểm tra thực tế gắt gao hơn.

"Nhưng đôi khi là làm ăn thua lỗ trong những năm trước, bây giờ không có vốn thu mua được thì phải cho thuê, cho mướn và cũng có thể là do lợi nhuận lớn mà nhiều người bất chấp rủi ro, hợp tác đứng tên mở xưởng với các thương lái Trung Quốc", ông Điền nhận định.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI