Trung Quốc loại bỏ công nghệ nước ngoài ‘để tự vệ’

10/12/2019 - 07:49

PNO - Thời báo Tài chính (Financial Times) đưa tin chính phủ Trung Quốc ra lệnh tất cả các văn phòng nhà nước trong vòng ba năm loại bỏ phần cứng và phần mềm nước ngoài, trong đó có các thương hiệu lớn của Mỹ như Microsoft, Dell và HP.

Chính sách mới của Trung Quốc có thể được coi là một trong những động thái trực tiếp nhất chống lại các công ty công nghệ Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại song phương.

Financial Times dẫn nguồn tin từ công ty Chứng khoán Trung Quốc cho biết chính sách mới được đặt tên là “3-5-2” vì việc thay thế công nghệ sẽ diễn ra với tốc độ 30% vào năm 2020, 50% vào năm 2021 và 20% vào năm 2022. Các nhà phân tích ước tính 20-30 triệu thiết bị nước ngoài cần được thay thế trong “chiến dịch thanh lọc” này ở Trung Quốc.

Trung Quoc loai bo cong nghe nuoc ngoai ‘de tu ve’
Trung Quốc ra lệnh cho các văn phòng nhà nước loại bỏ công nghệ nước ngoài, đặc biệt là các công nghệ Mỹ như Microsoft, Dell, HP - Ảnh: Bloomberg/Getty Images

Neil Campling, giám đốc nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông công ty chứng khoán Mirabaud Securities, cho biết động thái của Trung Quốc là nhằm “tự vệ” để hoạt động của chính phủ không bị ảnh hưởng khi cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động đến nhiều mặt hoạt động của Trung Quốc đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc trở thành mục tiêu bị Mỹ gây áp lực. Đầu năm nay, tập đoàn Huawei bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” và Washington cấm các công ty Mỹ làm ăn với nhà cung cấp thiết bị viễn thông khổng lồ này của Trung Quốc.

Đến tháng Mười, Washington mở rộng “danh sách đen” bằng việc đưa thêm vào đó một số công ty giám sát của Trung Quốc như Hikvision, một trong những công ty công nghệ giám sát lớn nhất thế giới. Luật pháp Mỹ cũng có điều khoản gọi là Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cấm các cơ quan điều hành của chính phủ mua sắm phần cứng viễn thông của Huawei và một công ty Trung Quốc khác là ZTE (Trung Hưng).

Chính sách mới của Trung Quốc có thể được coi là một trong những động thái trực tiếp chống lại các công ty công nghệ Mỹ trong cuộc chiến thương mại song phương, trong bối cảnh các văn phòng chính phủ Trung Quốc thường sử dụng máy tính Lenovo của Trung Quốc, hoặc các phần cứng của Dell và HP, nhưng chạy trên phần mềm Windows của Microsoft.

Một chuyên gia hàng đầu của công ty tình báo kinh tế The Economist Intelligence Unit cho biết sự phân biệt đối xử đối với công nghệ nước ngoài là một phần thuộc khung chính sách của Trung Quốc trong nhiều năm nay. Ông nhắc lại trường hợp các công ty Mỹ như Google và Facebook mấy năm qua đã bị chặn hoạt động ở Trung Quốc.

Chỉ thị loại bỏ phần cứng và phần mềm nước ngoài trong các cơ quan nhà nước Trung Quốc không hề đơn giản, vì ngay như công ty máy tính Lenovo của Trung Quốc cũng sử dụng chip của nhà cung cấp Intel của Mỹ. Chưa kể, Trung Quốc chưa thực sự có một giải pháp nội địa thay thế cho Windows của Microsoft. Mặc dù đầu năm nay Huawei công bố hệ điều hành riêng của mình gọi là HarmonyOS, nhưng không rõ nó có thể phù hợp cho các cơ quan nhà nước sử dụng hay không.

Tuy nhiên, động thái của Trung Quốc có thể được coi là một nỗ lực tiến tới loại bỏ công nghệ Mỹ, cố gắng bắt kịp các lĩnh vực như bán dẫn và thậm chí dẫn đầu trong các ngành công nghệ như trí tuệ nhân tạo.

Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng động thái mới có thể sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng Trung Quốc, vì nguy cơ những thương hiệu chủ lực của Mỹ được thị trường Trung Quốc ưa chuộng như Apple có thể là “nạn nhân” tiếp theo.

Thanh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI