Trung Quốc lo lắng về vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu

10/09/2019 - 10:00

PNO - Thay vì tìm cách tháo dỡ hàng rào bảo hộ và thuế quan của Trung Quốc, Mỹ đang quyết định cuộc chơi, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để đạt tính ổn định lâu dài cũng như an ninh quốc gia.

n Tấn Vĩ (theo CNBC, Washington Post)

Đấy mới là điều Trung Quốc lo ngại: “sự cô lập” từ các chuỗi cung ứng mà Mỹ nắm vai trò chủ đạo.

Chiến thuật mới của Mỹ và sự thay đổi từ Trung Quốc

Các cuộc đàm phán chính thức mới giữa Mỹ và Trung Quốc được công bố vào tháng Mười, và những nguồn tin cấp cao của Trung Quốc cho thấy một sự đột phá có thể xảy ra.

Trung Quoc lo lang ve vi the trong chuoi cung ung toan cau
Các công ty Mỹ sẵn sàng chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và các nước lân cận để tránh sự bất ổn từ chiến tranh thương mại khi cần

Hai tuần trước, các học giả lo lắng về ngọn lửa mới bùng lên trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tăng thuế để trả đũa thuế quan từ Trung Quốc. Đồng thời, ông gọi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - Jerome Powell là “kẻ thù”, và khiến chỉ số Dow Jones giảm mạnh 623 điểm trong khi sàn Nasdaq đóng cửa ở mức thấp hơn 3%. Bây giờ, có vẻ như sự lạc quan về thỏa thuận thương mại đã quay trở lại. 

Hôm 23/8, Tổng thống Trump yêu cầu các công ty Mỹ tìm phương án thay thế cho mối quan hệ thương mại với Trung Quốc; hai ngày sau, ông tiếp tục đe dọa sử dụng luật tình trạng khẩn cấp liên bang để chặn đứng mọi hoạt động thương mại giữa hai quốc gia. Động thái này ngược hoàn toàn so với những nỗ lực trước đây, yêu cầu Trung Quốc mở cửa kinh tế nhiều hơn cho các công ty Mỹ. Thay vào đó, Washington muốn tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc cho nhiều ngành sản xuất của Mỹ.

Mỹ bắt đầu rời đi sau một năm đối đầu

Chỉ năm ngày sau yêu cầu của ông Trump, nhật báo kinh doanh Nikkei hôm 28/8 tiết lộ, Google sẽ chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Pixel sang Việt Nam, bắt đầu từ năm nay và công ty cũng đang tìm cách chuyển cơ sở sản xuất loa thông minh của mình đến Thái Lan. Google không phải là công ty đầu tiên ở Mỹ rút khỏi Trung Quốc; hơn 50 tên tuổi lớn khác đã chuyển đi hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Delta Children - nhà sản xuất đồ nội thất trẻ em của Mỹ, thực hiện khoảng 80% sản phẩm của mình tại Trung Quốc; Joe Shamie - chủ tịch của công ty cho biết, trong những tháng gần đây, ông liên tục tìm cách chuyển dây chuyền sang các nước khác, bao gồm Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Đáng lưu ý, việc rời khỏi Trung Quốc không nhất thiết là một lực tăng cho nền kinh tế Mỹ. Số lao động, việc làm tại Mỹ không thay đổi vì dự kiến Google cùng nhiều doanh nghiệp khác sẽ chuyển đến Việt Nam, Thái Lan, và các nước lân cận. Thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc cũng không làm cho nước Mỹ giàu có hơn, hoặc tác động trực tiếp đến tốc độ phát triển kinh tế. Khía cạnh quan trọng nhất là lợi ích an ninh quốc gia, trái ngược với tính chất thương mại. Đối với Trung Quốc, “cuộc chia tay” đầy sóng gió là một kịch bản đen tối. Mỹ vẫn là thị trường tiêu dùng số một thế giới và Mỹ hiện đang tìm cách mua sắm từ những nơi khác. 

Trong khi đó, những lợi ích từ đa dạng hóa thương mại và sức mạnh kinh tế bền vững của Mỹ đang mang lại cho chính quyền Tổng thống Trump món quà thời gian. Điều này trái ngược với suy nghĩ thông thường rằng Tổng thống Trump cần một thỏa thuận thương mại trước cuộc bầu cử năm tới. Nó cũng hoàn toàn khác với quan niệm Mỹ cần phải “thắng” cuộc chiến thương mại bằng cách xóa bỏ rào cản bảo hộ lớn của Trung Quốc. Bởi cuối cùng, khi Mỹ đặt mối quan tâm an ninh lâu dài lên trên các lợi ích kinh tế trước mắt, Bắc Kinh biết rằng mình mới là người cần cuộc chơi này chứ không phải Washington.

Tấn Vĩ (theo CNBC, Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI