Trung Quốc lắp đặt vũ khí tại Trường Sa: Ta cần phải có những “quả tên lửa”...

20/12/2016 - 06:30

PNO - Vị ĐBQH Đà Nẵng cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện của hôm nay. Để làm rõ sự thật, có thể mời các nhà báo quốc tế vào kiểm chứng nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ không dám làm vậy.

Mới đây, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS Mỹ đã công bố những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc dường như đã lắp đặt xong hệ thống phòng không và chống tên lửa trên cả 7 điểm đảo nhân tạo xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng hoạt động xây dựng của nước này trên các đảo và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa chủ yếu phục vụ "mục đích dân sự". Hơn thế, Trung Quốc còn khẳng định việc triển khai các thiết bị quân sự cần thiết ở khu vực Biển Đông là “chính đáng và hợp pháp”.

Bày tỏ quan điểm trước vấn đề này, ĐBQH Đà Nẵng - ông Nguyễn Bá Sơn khẳng định rằng, hành động trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền, chủ quyền của Việt Nam tại khu vực Trường Sa, đồng thời vi phạm các quy định Luật pháp quốc tế.

Trung Quoc lap dat vu khi tai Truong Sa: Ta can phai co nhung “qua ten lua”...
Các vị trí của súng phòng không ở trên điểm đảo nhân tạo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Ảnh: CSIS/AMTI.

Ông Sơn nhấn mạnh: “Không có thứ vũ khí nào gọi là dân sự cả. Trung Quốc đưa ra đảo chiếm trái phép thì bất luận đó là vũ khí dân sự hay quân sự đều là bất hợp pháp. Cần phải chiếu theo công ước quốc tế để xem câu chuyện thế nào, chứ không phải như cách Trung Quốc lên tiếng khẳng định chính đáng và hợp pháp".

ĐBQH Đà Nẵng cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện của hôm nay. Để làm rõ sự thật, có thể mời các nhà báo quốc tế vào kiểm chứng nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ không dám làm vậy.

“Nói về mặt chủ quyền thì người Việt Nam dù làm ở bất cứ vị trí nào ở trong nước hay ngoài nước đều không thể chấp nhận điều đó. Tôi cho rằng dư luận quốc tế cũng không thừa nhận những tuyên bố của Trung Quốc. Không thể nói rằng cách đây bao nhiêu năm anh chiếm đảo rồi sau đó tiến hành kỷ niệm được. Không thể kỷ niệm hành động xâm lược”, ông Sơn nhấn mạnh.

Dự đoán về tình hình biển Đông trong thời gian tới, ông Sơn cho rằng sẽ có những phức tạp hơn do thế giới đang có những thay đổi khó đoán, nhất là khi ông Donald Trump mới đắc cử Tổng thống Mỹ hay quan điểm của tổng thống Philippines Duterte trong vấn đề biển Đông.

Theo ông, quan điểm của 2 vị tổng thống này chỉ khác nhau ở cách tiếp nhận. Ông cho rằng, không một quốc gia nào chấp nhận từ bỏ những lợi ích gắn liền với quốc gia, dân tộc để nước khác gia tăng ảnh hưởng và tác động xấu đến tình hình của khu vực đó.

Vị ĐBQH phân tích rõ hơn, ông Duterte từ chối chủ quyền quốc gia của mình chẳng qua nếu có đó là sự lựa chọn tức thời để giải quyết những nhu cầu cấp thiết của quốc gia.

Còn đối với ông Donald Trump, đó là quan điểm về một vấn đề cụ thể ở khu vực biển Đông. 

"Nó không hẳn là việc ông Trump và chính quyền mới của tỷ phú người Mỹ từ bỏ chủ quyền trên toàn khu vực biển Đông. Tuy nhiên đây là cách tiếp cận vấn đề. Các nước sẽ có cách làm khác nhau, những mức độ thể hiện khác nhau", ông Sơn nói.

Lợi dụng những điều này, Trung Quốc sẽ tăng cường gây hấn trên biển Đông, ông Sơn nhận định.

Đứng trước tình thế này, theo ĐBQH Đà Nẵng: “Trước hết Việt Nam phải bám vào Luật pháp quốc tế và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề biển Đông.

Thứ hai là Việt Nam phải chủ động trong các chiến lược phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, trong vấn đề đối ngoại, cần mở rộng các quan hệ hợp tác, đối ngoại, tạo nên sự cân bằng tất cả. Chúng ta cần phải có những “quả tên lửa” nhưng đừng bao giờ để nó phải phóng đi. Cần đấu tranh linh hoạt, tích cực để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ vững hòa bình. Đó là điều quan trọng nhất mà Việt Nam cần làm”.

Hoàng Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI