Trung Quốc làm đường ống nước sông Đà II: Bất ổn từ khâu đấu thầu?

25/03/2016 - 07:38

PNO - "Việc có 4 nhà thầu mà loại đi 3 nhà thầu, còn 1 nhà thầu vào vòng trong để đánh giá tài chính thì thực sự không bình thường" TS. Sanh nói

Theo thông cáo báo chí của Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex, công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) đã trúng thầu cung cấp đường ống nước Sông Đà với giá thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt. Tuy nhiên, điều này đã khiến cho dư luận hết sức hoang mang, khi mà bản thân các nhà thầu Trung Quốc đã có quá nhiều tai tiếng ở Việt Nam.

Trung Quoc lam duong ong nuoc song Da II: Bat on tu khau dau thau?
TS. Phạm Sanh. Ảnh: vnn

Để làm rõ hơn về việc này, ngày 24/3, trao đổi với báo Phụ nữ TP HCM, TS. Phạm Sanh cho hay: việc công ty Vinaconex họ tổ chức đấu thầu quốc tế và lựa chọn nhà thầu thì trong 4 nhà thầu đó một công ty ko có giấy bảo lãnh thì loại ngay lập tức, đó là Pháp, hai nhà thầu nữa thì ko đủ năng lực, cuối cùng còn một nhà thầu duy nhất đó là Trung Quốc.

Qua gia đoạn xét duyệt năng lực, đến vấn đề tài chính, thì nhà thầu Trung Quốc lại rẻ hơn tới 11,8% so với dự toán kinh phí của gói thầu này, vậy nên họ trúng thầu. Và phía Vinaconex cũng đã mời đủ các đơn vị thẩm tra, thậm chí là công an phối hợp làm việc này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không, dấu hiệu của tiêu cực trong công tác đấu thầu. Ông Sanh nói: "Kết quả đấu thầu của đường ống nước sông Đà cho thấy vẫn còn nhiều bất cập. Đấu thầu rộng rãi mà chỉ có 4 nhà thầu tham gia?

Một nhà thầu quốc tế lớn, từng làm rất nhiều công trình, lại không có bảo lãnh dự thầu trong khi thủ tục đầy đủ, hồ sơ mời thầu cũng đã có ghi rõ. Rõ ràng đây là một lỗi rất sơ đẳng và hết sức vô duyên. Một nhà thầu quốc tế khi tham gia đấu thầu, rất ít khi bị loại ngay từ giai đoạn xét duyệt năng lực, kinh nghiệm."

"Ngay từ đầu, giai đoạn 1 đã có vấn đề và quá nhiều tai tiếng. Thì tới giai đoạn 2, các nhà thầu đã nắm được vấn đề mà giai đoạn 1 vấp phải thì đúng ra năng lực nhà thầu quốc tế đưa sẽ phải rất tốt. Thế nhưng lại có tới 2 nhà thầu bị loại về vấn đề năng lực, kinh nghiệm. Như vậy, ở đây có một điều gì đó không ổn ở đây. Với kinh nghiệm và lương tâm nghề nghiệp, tôi thấy việc có 4 nhà thầu mà loại đi 3 nhà thầu chỉ còn 1 nhà thầu vào vòng trong để đánh giá tài chính thì thực sự không bình thường." ông Sanh phân tích rõ.

Nói thêm về sự quan tâm của dư luận đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu cung cấp đường ống nước Sông Đà, TS Phạm Sanh cho biết thêm: "Hiện nay, dư luận đánh giá các nhà thầu Trung Quốc không mấy tích cực. Nếu làm một cuộc khảo sát thì số đông sẽ không ủng hộ việc này.

Trong quá khứ, các nhà thầu Trung Quốc họ thường bỏ thầu giá rẻ, rồi trúng thầu, rồi trượt giá, chậm tiến độ. Cộng với trình độ quản lý hợp đồng và quản lý công trình của nhà nước, Bộ đều ko đảm bảo năng lực và phẩm chất đã dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng. Có thể nhìn rõ nhất là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông."

Khi đề cập đến một giải pháp tích cực hơn cho vấn đề này, ông Sanh nói: "Nếu tôi là ban quản lý, tôi sẽ xin ý kiến cấp trên hủy thầu, tuy chậm một chút nhưng công khai minh bạch hơn, sẽ tìm hiểu các nhà thầu trên thế giới một cách sâu hơn. Với hệ thống đường ống nước như Việt Nam thì việc này không quá khó đến mức không có nhiều nhà thầu thế giới tham gia.

Đường ống nước tuy lớn, lên đến 2 mét nhưng đối với các nhà thầu thế giới thì không thành vấn đề, vật liệu cấu thành cũng rất đa dạng: thiếc, gang, nhựa, bê tông. Nên chọn các nhà thầu đến từ Mĩ hoặc châu Âu. Và việc này nằm trong khả năng quyết định của UBND TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ."

"Nếu đã quyết định nhà thầu và công bố rộng rãi rồi thì bên mời thầu, cụ thể là Vinaconex, nên giải thích rõ. Ví dụ, dạng hợp đồng ở đây là hợp đồng gì? Hợp đồng theo đơn giá cố định hay hợp đồng trượt giá, và trượt giá trong điều kiện nào cần phải nói rõ. Tiếp đó là vấn đề chất lượng, tiến độ thi công, những ràng buộc thưởng phạt ra sao, cũng cần được công khai minh bạch" ông Sanh nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ GTVT gửi Quốc hội cho biết, dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh phải điều chỉnh vốn rất lớn. Theo tính toán của tư vấn TEDI, được Viện Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm tra là 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD, tương đương 1,6 lần.

Đến 29-2, tổng thầu nợ các nhà thầu phụ khoảng 554 tỉ đồng. Do bị nợ nên thầu phụ thiếu tiền thi công, khiến dự án chậm tiến độ. Cho đến nay dự án không thể đúng tiến độ vừa cam kết, mặc dù đã lùi nhiều lần.

Ngân Hán

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI