Trung Quốc làm đường nước sông Đà II:Cả nước dùng đường ống Trung Quốc?

26/03/2016 - 07:38

PNO - "Đối với Vinaconex thì đắt hay rẻ không thành vấn đề, quan trọng là đáp ứng yêu cầu được đưa ra"- ông Hà quả quyết.

Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex - Viwasupco, thuộc Tổng công ty cổ phần Vinaconex, đơn vị chủ đầu tư dự án nước Sông Đà giai đoạn II đã lựa chọn nhà thầu Trung Quốc cung cấp ống gang dẻo cho dự án.

Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, việc đấu thầu dường như làm chỉ để chọn nhà thầu Trung Quốc. Vấn đề tai tiếng của các nhà thầu Trung Quốc chưa xét tới, nhưng sự thật đã có quá nhiều bài học cho việc sản phẩm giá rẻ chất lượng kém, khiến dư luận hết sức lo lắng.

Trung Quoc lam duong nuoc song Da II:Ca nuoc dung duong ong Trung Quoc?
Sự cố vỡ đường ống sông Đà. Ảnh: VGP

Trước những nghi vấn trên, ngày 25/3, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Thân Thế Hà - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vinaconex. Trả lời về vấn đề này ông Hà nói: "Không có chuyện chỉ định thầu, vì đây là đấu thầu quốc tế, nếu không làm cẩn thận thì sẽ bị kiện. Việc chọn thầu được thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi và chủ đầu tư đã mời các đơn vị tư vấn có uy tín tham gia lựa chọn nhà thầu.

Có 20 nhà thầu mua hồ sơ nhưng chỉ còn 4 đơn vị nộp đủ hồ sơ vào thời điểm mở thầu, trong đó chỉ có duy nhất nhà thầu Trung Quốc đáp ứng được các yêu cầu của chủ đầu tư. Việc họ trúng thầu là hoàn toàn phù hợp với luật đấu thầu.

Vì sao nhà thầu của Mỹ, nhà thầu của châu Âu họ không tham gia vì họ không có chủ trương xuất khẩu, và nếu xuất khẩu thì rất đắt và họ biết không có nước nào mua sản phẩm của họ. Trừ khi đó là nguồn vốn ODA !"

Liên quan đến việc nhiều sản phẩm vì mua giá rẻ mà chất lượng không được đảm bảo, ông Hà quả quyết: "Sản phẩm này không phải giá rẻ. Đối với Vinaconex thì đắt hay rẻ không thành vấn đề, quan trọng là đáp ứng được yêu cầu được đưa ra.

Vinaconex sử dụng nguồn vốn thương mại cho dự án này, ngân sách không cung cấp, nên tiêu chí đầu tiên là đảm bảo những yêu cầu của xã hội, dân sinh nhưng bên cạnh đấy vấn đề kinh tế cũng rất quan trọng. Việc bỏ tiền ra đầu tư cũng phải lo dòng tiền sớm được thu về để trả nợ..."

Khi phóng viên đặt câu hỏi, vì sao các nước phát triển đã không sử dụng ống gang dẻo nữa, nhưng Việt Nam vẫn sử dụng? Ông Hà cho rằng: Các nước châu Âu và Mỹ họ vẫn dùng, vì độ bền của gang dẻo rất lâu, trên 50 năm, hạ tầng ngành nước của họ làm hoàn thiện rồi nên họ vẫn đang dùng. Họ sản xuất một số lượng nhỏ để sử dụng trong nước nhưng không xuất khẩu.

Vì nếu xuất khẩu cần có quy mô rất lớn. Thứ hai, ngành công nghiệp sản xuất loại ống này rất gây ô nhiễm, nên họ chuyển sang sản xuất tại các nước đang phát triển. Ví dụ như hãng PAM của Pháp, họ cũng chuyển sang sản xuất tại Trung Quốc.

"Hiện tại, các dự án cấp nước đều sử dụng ống gang dẻo. Trong phạm vi cả nước thì có tới 97% sử dụng loại ống này, và đều được phía Trung Quốc cung ứng. Nhưng vì họ không công khai nên mọi người không biết.

Sản phẩm của Trung Quốc, nhiều cái họ không đáp ứng được yêu cầu, không hài lòng, nhưng trong trường hợp dự án nước sông Đà giai đoạn 2, phía Vinaconex cũng rất cẩn trọng trong việc kiểm soát vấn đề này. Các chuyên gia tư vấn và thẩm định trong đó có cả Bộ xây dựng cũng đã nghiên cứu rất kỹ và đi đến quyết định tối ưu nhất, là sử dụng đường ống gang dẻo" ông Hà khẳng định.

Chính vì giai đoạn 1 đã xảy ra vấn đề nên phía Vinaconex muốn công khai thông tin, nhưng cũng vì công khai thông tin nên nhiều người lại hiểu theo một hướng khác khi mà bản thân các nhà thầu Trung Quốc đã có nhiều tai tiếng. Nhưng thực tế, hiện nay các dự án ở các tỉnh thành trong cả nước đều sử dụng ống gang dẻo của Trung Quốc.

Trước những thông tin về việc ống nước gang dẻo bị nhiễm chì, gây hại cho người dân, ông Hà nhấn mạnh: "Việc này không sẽ không xảy ra, các bên giám định luôn kiểm tra trong suốt quá trình sử dụng. Nếu nguồn nước mà nhiễm chì thì khác nào giết người? Việc ống gang dẻo nhiễm chì nên có cơ sở rồi hãy đặt vấn đề"

Ngày 25/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo rà soát toàn bộ quá trình thực hiện Dự án hệ thống cấp nước giai đoạn 2 do Vinaconex làm chủ đầu tư.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu trên cơ sở rà soát, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng đánh giá và làm rõ những thông tin gần đây mà dư luận đề cập, liên quan đến dự án. Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đề xuất rõ những giải pháp - nếu có) để bảo đảm dự án được thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ và quy định của pháp luật.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội báo cáo trước ngày 31/3

Hành Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI