Trung Quốc lại 'né' trọng tài quốc tế về Biển Đông

08/12/2014 - 11:17

PNO - PN - Bắc Kinh hôm 7/12 đã công bố tài liệu lên án Philippines “gây áp lực chính trị” qua vụ kiện lên trọng tài quốc tế đối với các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Một lần nữa, Bắc Kinh từ chối tham gia đối chất về vụ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong tài liệu, Trung Quốc đưa ra lập luận chống lại thẩm quyền của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye, Hà Lan trong việc xét xử vụ kiện năm 2013 của Philippines, một hành động pháp lý ảnh hưởng sâu rộng đến yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tài liệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Mục tiêu cơ bản của Philippines không phải là tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông. Thay vào đó, họ dùng trọng tài quốc tế để gây áp lực chính trị đối với Trung Quốc, nhằm phủ nhận quyền hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là “giải thích hay vận dụng” Công ước (về luật biển)”.

Trung Quốc từng tuyên bố chủ quyền phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông, thông qua yêu sách “đường lưỡi bò”, gây nên những mâu thuẫn với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei về chủ quyền ở Biển Đông. Đồng thời, Bắc Kinh có tranh chấp song phương với Tokyo về quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Trung Quoc lai 'ne' trong tai quoc te ve Bien Dong

Một tàu kiểm ngư của Trung Quốc hoạt động trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam tại Biển Đông - Ảnh: Xinhua

Từ lâu, Bắc Kinh tuyên bố không tham gia vào quá trình tố tụng mà khẳng định họ sẽ giải quyết song phương các tranh chấp. Tòa án quốc tế đã thông báo Trung Quốc về hạn chót để trả lời vụ kiện là ngày 15/12/2014. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định, tuyên bố ngày 7/12 của mình không nhằm đáp lại yêu cầu về thời hạn của PCA.

Sự tham gia của Trung Quốc trong phiên tòa là không bắt buộc, vì tòa án PCA không giải quyết tranh chấp, mà giải quyết hiệu lực pháp lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc cũng như phân loại các vấn đề như bãi cạn Scarborough theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1982), trong đó Trung Quốc là một bên ký kết.

Một phán quyết có lợi cho Philippines có thể làm suy yếu phần nào tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Xu Hồng, Vụ trưởng Pháp lý và hiệp ước của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ám chỉ trên trang mạng Bộ Ngoại giao về “những động cơ ngấm ngầm” với cái nhìn một chiều hoặc bị bóp méo về các công ước quốc tế, nhằm cáo buộc Trung Quốc hay bóng gió về việc “Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế và thách thức các công ước quốc tế”.

Tháng Mười vừa qua, Manila cho biết, họ đã ngừng các công việc xây dựng trên Biển Đông để tránh những tác động có thể xảy ra đối với vụ kiện Trung Quốc lên trọng tài quốc tế dịp này.

 HÒA NINH (Theo Reuters, Xinhua)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI