Trung Quốc lại muốn nuôi “vật chủ” ở Biển Đông?

20/04/2020 - 06:56

PNO - Những tuyên xưng ngược ngạo, hành vi cường quyền đều chỉ phơi bày thêm sự sai trái, phi pháp của một “phú quốc cường quân” che đậy cái tưởng là “ngoại ngạch” - mạnh bên ngoài nhưng kỳ thực là “nội nhuyễn” - yếu (và thiếu chính nghĩa) cả bên trong.

Ngày 19/4, trước việc Trung Quốc ngày 18/4 thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”. 

Trước đó, ngày 16/4, tham dự hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao với chủ đề hợp tác quốc tế phòng, chống dịch COVID-19 trong khuôn khổ liên minh vì Chủ nghĩa đa phương, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã đưa ra bốn đề xuất, trong đó có việc kêu gọi dừng các hoạt động ảnh hưởng đến nỗ lực ứng phó với dịch bệnh, nhất là chấm dứt các hành vi cường quyền, đơn phương trái với luật pháp quốc tế…

Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố đã khống chế dịch bệnh tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc ngang nhiên có những hành động quấy phá phi pháp trên các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam. 

Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây thành đảo nhân tạo trái phép
Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây thành đảo nhân tạo trái phép

Chỉ trong tháng Ba, Trung Quốc cho lập "trạm nghiên cứu" tại Đá Chữ Thập và Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dùng tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam trong vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Và mới nhất, trên Thời báo Hoàn cầu, mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc đăng tải thông tin, Bộ Dân chính Trung Quốc ra thông cáo về việc Quốc vụ viện nước này đã phê chuẩn việc thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" trực thuộc "thành phố Tam Sa" (tỉnh Hải Nam). 

Nhìn lại diễn biến và các cột mốc để thấy thói ngụy tạo ngang ngược là bản chất và chiến lược của quốc gia bành trướng này: tháng 12/2007, Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn thành lập thành phố hành chính cấp quận Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam, trực tiếp quản lý ba quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tiếp đến, năm 2012, Trung Quốc ngang nhiên lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", tự cho mình quyền quản lý hai quần đảo của Việt Nam. Và giờ, ngược ngạo tuyên xưng "tám năm sau khi Trung Quốc lập thành phố Tam Sa, giờ là lúc chia nhỏ với các quận khác nhau với trách nhiệm bảo vệ chủ quyền". 

Đã là bản chất thì trước, trong hay sau đại dịch chẳng cần cơn cớ gì sất, Trung Quốc vẫn luôn tỏ rõ hành vi cường quyền, ngang ngược quấy phá, xâm phạm phi pháp tại Biển Đông. 

Đã là bản chất thì mọi lời hứa hay cam kết ngoại giao chỉ… gió bay, còn hành động quân sự, sử dụng vũ lực để can thiệp, truy đuổi, cưỡng bức các hoạt động dân sự trong vùng biển đặc quyền của quốc gia khác mới là bằng chứng thực tế không thể chối cãi của phía Trung Quốc. 

Năm 2014, ngay sau khi trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tuyên bố: "Thực hiện Trung Quốc dân tộc vĩ đại phục hưng, tất tu kiên trì phú quốc hòa cường quân tương thống nhất" - tức phải giữ vững sự hòa hợp giữa phú quốc và quân sự cường liệt thành một khối thống nhất. 

Năm 2015, Sách Trắng đầu tiên của nước này xác định: "Phải từ bỏ lối nghĩ truyền thống đất liền quan trọng hơn biển… yêu cầu chiến lược phòng thủ ngoài khơi và bảo vệ các vùng biển mở… chuyển dần từ biển gần sang biển xa". (Biển gần tiếp giáp với bờ biển của Trung Quốc, biển xa là các hoạt động trên đại dương). 

Với cái thói tự suy, tự biện và xảo ngôn, giảo hoạt, từ tuyên xưng vô lối rằng các hòn đảo ở vùng Biển Đông đã "thuộc về Trung Quốc từ thời thượng cổ” - Đặng Tiểu Bình, năm 1975; cho đến các tuyên bố, hoạt động can thiệp và xâm phạm trên thực địa Biển Đông, thay vì "chúng tôi sẵn sàng gánh vác trách nhiệm quốc tế theo năng lực của mình" - Tập Cận Bình, năm 2014 - là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh toàn cầu, bày tỏ thói cường quyền, ngang nhiên giở trò vũ lực trên biển. 

Biển Đông không phải là… “phòng thí nghiệm” của Trung Quốc. Con virus corona chủng mới có thể lọt ra khỏi vật chủ dơi hay rắn để lây nhiễm sang người, tàn sát cả một phần dân số toàn cầu. Biển Đông, một phần của đại dương, sự sống của trái đất, nơi lưu thông của hơn 45% trong tổng 90% giao thương thế giới, cũng là nơi hiện diện của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, với những bằng chứng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế, những tuyên xưng ngược ngạo, hành vi cường quyền đều chỉ phơi bày thêm sự sai trái, phi pháp của một “phú quốc cường quân” che đậy cái tưởng là “ngoại ngạch” - mạnh bên ngoài nhưng kỳ thực là “nội nhuyễn” - yếu (và thiếu chính nghĩa) cả bên trong. 

Ái Mỹ

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI