Trung Quốc: Lại bê bối ô nhiễm gần khu bảo tồn cạnh sa mạc Tengger

15/11/2019 - 12:00

PNO - Một vụ bê bối ô nhiễm mới lại được phát hiện ở khu tự trị Ninh Hạ, ngay rìa sa mạc Tengger - nơi mà các công ty xả nước thải đã từng bị trừng phạt hồi năm năm trước.

Che giấu rất kỹ bên rìa sa mạc

Theo một bài báo đăng hôm chủ nhật 10/11/2019 trên tờ Ninh Hạ nhật báo, 14 địa điểm ô nhiễm mới, trên tổng diện tích 120.000 mét vuông, vừa bị phát hiện ở rìa sa mạc Tengger, gần Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia ở Trung Vệ - một thành phố cấp tỉnh, ở phía tây Khu tự trị Ninh Hạ của người Hồi. 

Năm năm trước, khu vực này từng gây nên làn sóng chỉ trích lan khắp cả nước về những vụ lén xả các loại nước thải không qua xử lý tại đây. 

Hôm thứ năm 7/11/2019, trên tài khoản trực tuyến WeChat, Trung tâm Đam mê nghiên cứu môi trường - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở quận Phong Đài, Bắc Kinh, đã đưa tin: một nhóm tình nguyện viên của họ đã phát hiện ra các địa điểm ô nhiễm trong chuyến đi nghiên cứu ở khu vực này. 

Zhang, một tình nguyện viên trong nhóm, từ chối cung cấp họ tên đầy đủ vì sự nhạy cảm của vấn đề, cho biết thêm: "Đây là một vấn đề mang tính lịch sử. Các địa điểm chôn lấp đều được che giấu rất kỹ và khó tìm. Chất gây ô nhiễm có màu đen, trông như hắc ín. Các địa điểm ấy đều thiếu sự chống ngấm, đe dọa gây ô nhiễm cho nguồn nước ngầm ở địa phương”. 

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc đã cho mở một cuộc điều tra chính thức về các khu vực ô nhiễm mới được phát hiện ấy. Theo Bộ này, loại chất thải vừa được tìm thấy vốn xuất phát từ một nhà máy sản xuất giấy, từng hoạt động trong khu vực từ năm 1998 tới năm 2004. 

Thuộc tập đoàn giấy Meili Ninh Hạ, công ty này không hề có hệ thống thu gom chất thải trong thời gian đó, vì vậy phần lớn nước thải chưa được xử lý đã bị họ lén xả ra sa mạc. Năm 2015, công ty đã đóng cửa dây chuyền sản xuất bột giấy và tổ chức lại thành một công ty khác. 

Vào năm 2014, theo báo Tin tức Bắc Kinh, các công ty ở những khu công nghiệp gần đó cũng đã xả nước thải đen như mực vào các “ao bốc hơi”. Sau khi nước bốc hơi, phần còn lại được họ vớt lên và đem chôn trực tiếp trong sa mạc.

Trung Quoc: Lai be boi o nhiem gan khu bao ton canh sa mac Tengger
Các hố nước thải ẩn giữa những cồn cát trên sa mạc Tengger – hình của Chen Jie (New Beijing)

Sa mạc không phải là bãi rác thải 

Sa mạc Tengger trải dài trên ba tỉnh ở phía tây bắc Trung Quốc. Mặc dù trông hoang vắng, các hồ nước và hệ thống nước ngầm rải rác của sa mạc này vẫn cung cấp nguồn nước hỗ trợ người chăn nuôi gia súc ở địa phương. Bất chấp thực tế đó, tám công ty hóa chất từng sử dụng sa mạc Tengger như… một bãi chứa nước thải ô nhiễm. 

Hồi tháng 8/2015, Quỹ Phát triển Xanh đã nộp đơn kiện ở tòa án Ninh Hạ, yêu cầu các công ty nọ phải tạm dừng xả nước thải chưa hề được xử lý, và phải khôi phục lại môi trường. 

Tòa Ninh Hạ đã từ chối xét xử vụ đó, với lý do “tổ chức phi chính phủ không có hiệu lực trong các hoạt động vì lợi ích công cộng môi trường". 

Sau đó, Quỹ Phát triển Xanh đã kháng cáo thành công ở Tòa án nhân dân tối cao. Phán quyết do Tòa án nhân dân tối cao có đoạn nêu: “Hiệu lực trong các hoạt động vì lợi ích công cộng môi trường (của các tổ chức phi chính phủ - PNO) không chỉ giới hạn ở việc tham gia trực tiếp vào việc cải thiện môi trường, mà còn bao gồm các hoạt động khác có lợi cho quản trị môi trường, như giáo dục công cộng, trợ giúp pháp lý và đưa ra các vụ kiện về lợi ích công cộng”.

Theo chỉ đạo của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Hội đồng Nhà nước sau đó đã lập một đoàn thanh tra, yêu cầu chính quyền địa phương và các khu công nghiệp dọn sạch các bãi thải. Lúc đó, đã có trên 30 cán bộ địa phương bị kỷ luật, hoặc bị cách chức. 

Từ ấy, việc kiểm soát ô nhiễm đã được ông Tập nêu thành "một trong ba trận chiến quan trọng" của chính phủ, cùng với việc xóa đói giảm nghèo và giảm thiểu các rủi ro kinh tế.

Theo China Dialogue, kể từ khi Trung Quốc đưa ra Luật Bảo vệ Môi trường vào tháng 1 năm 2015, các tổ chức phi chính phủ về môi trường đã dành gần hai năm tiếp theo để "thử nghiệm" luật này, thông qua một loạt các vụ kiện vì lợi ích môi trường. 

Tiến trình đó bắt đầu vào tháng 7/2015, khi các đại diện cho 13 tỉnh, được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) uỷ quyền, bắt đầu đưa các vụ án môi trường ra xét xử.

Tới nay, các tòa án đã chấp nhận 189 vụ kiện về môi trường được dư luận Trung Quốc quan tâm, trong đó có 60% vụ kiện do các tổ chức phi chính phủ đưa ra. Quá trình này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, đồng thời cung cấp tiền lệ cho những người khác làm theo trong tương lai. 

Hai năm trước, vào năm 2017, Tòa án nhân dân tối cao ở Trung Quốc đã cung cấp thông tin cho công chúng về một loạt các vụ kiện điển hình, nhằm cung cấp tài liệu tham khảo cho các nguyên đơn khác. 

Nhựt Minh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI