Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch đóng hai tàu sân bay năng lượng hạt nhân

08/12/2019 - 10:00

PNO - Trung Quốc phát triển lĩnh vực đóng tàu sân bay để chạy đua với Mỹ thực hiện mộng bá chủ đại dương, nhưng mới đây các nguồn tin xác nhận Bắc Kinh đã hủy bỏ kế hoạch đóng hai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tạp chí quan hệ quốc tế có uy tín The National Interest dẫn nguồn tin báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) xuất bản ở Hồng Kông, cho biết Bắc Kinh sẽ hủy bỏ kế hoạch đóng thêm hai siêu tàu sân bay – thứ năm và thứ sáu - chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau khi hoàn thành việc đóng mới hai tàu sân bay chạy bằng hơi nước.

Về mặt kỹ thuật, hai tàu sân bay năng lượng hạt nhân Trung Quốc ấp ủ được thiết kế theo khuôn mẫu các tàu của Mỹ, kể cả các máy bay cảnh báo sớm trên tàu và máy bay tấn công điện tử tương tự các máy bay Hawkeyes E-2D và EA-18 Growlers của Mỹ.

Trung Quoc huy bo ke hoach dong hai tau san bay nang luong hat nhan
Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch cho hai tàu sân bay siêu hạt nhân chạy bằng năng lượng hạt nhân

Tuy nhiên, hải quân Mỹ gặp hai vấn đề trong việc đóng các siêu tàu sân bay lớp Gerald Ford thế hệ mới - chi phí quá lớn và triển khai chậm trễ do những sai sót dai dẳng đối với máy phóng máy bay, thiết bị bắt giữ máy bay hạ cánh, radar và thang máy nâng hạ vũ khí. Những vấn đề tương tự - “thách thức kỹ thuật và chi phí lớn” - rõ ràng đã ảnh hưởng đến chương trình đóng tàu sân bay mới của Trung Quốc.

Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc kiên trì xây dựng kế hoạch triển khai sáu tàu sân bay có năng lực tác chiến ngày càng lớn.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh type 001, thực chất là một tàu tuần dương chở máy bay cũ của Liên Xô được một cựu ngôi sao bóng rổ Ukraine mua lại để sử dụng như một sòng bạc nổi, sau đó Trung Quốc mua và trang bị thành một tàu sân bay. Tàu Liêu Ninh nhỏ hơn đáng kể so với các tàu sân bay của Mỹ, có đường băng trượt vuốt cong làm hạn chế khả năng mang nhiên liệu và vũ khí của các máy bay chiến đấu J-15 Flying Shark trên tàu.

Tàu sân bay thứ hai, được ra mắt vào năm 2017, được định danh là type 001A hoặc type 002, là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng hoàn toàn trong nước, về cơ bản chỉ tương đương với việc cải tiến khiêm tốn type 001.

Tàu sân bay thứ ba và thứ tư của Trung Quốc (type 002 hoặc type 003 tùy thuộc vào danh pháp các chuyên gia muốn gọi) đã lớn hơn đáng kể và có khả năng tác chiến mạnh hơn, được trang bị sàn phẳng phóng máy bay, cho phép triển khai các máy bay chiến đấu phản lực mang đầy đủ nhiên liệu và vũ khí.

Giai đoạn cuối cùng của chương trình tàu sân bay Trung Quốc là hai tàu sân bay thậm chí lớn hơn những tàu đã có, được thiết kế để sử dụng động cơ đẩy hạt nhân và có tính năng tương đương các siêu tàu sân bay lớp Gerald Ford của hải quân Mỹ.

Điêm nổi bật trên các tàu thế hệ mới của Mỹ là hệ thống phóng điện từ (EMAL), có thể tiết kiệm hàng tỷ đô la chi phí vận hành so với máy phóng hơi nước, tăng tốc độ hoạt động của máy bay lên 25% và giảm hao mòn máy bay bằng cách cho phép tinh chỉnh lực đẩy theo nhu cầu hoạt động.

Nhưng không may là các máy phóng EMAL của Mỹ còn nhiều điểm phải hoàn chỉnh và yêu cầu thời gian quá dài để sửa chữa do hệ thống điện của tàu thế hệ Ford, dẫn đến việc Trung Quốc đã cân nhắc quyết định bỏ ngang việc đóng mới hai siêu tàu của mình.

Rốt cuộc, nếu Trung Quốc theo đuổi đến cùng chương trình tàu sân bay, với hai chiếc cuối cùng vẫn dùng lực đẩy hơi nước, thì sáu tàu của Bắc Kinh phải đối diện với 11 tàu có tính năng tác chiến cao hơn của hải quân Mỹ. Trong quá khứ, sự mất cân bằng về sức mạnh của hải quân như vậy thường dẫn đến việc bên yếu hơn neo đậu tại cảng những con tàu có giá trị nhất thay vì ra khơi để nếm đòn thất bại.

Tô Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI