Trung Quốc hứa giảm khí thải nhưng không nêu rõ cách làm

25/09/2020 - 08:11

PNO - Dưới áp lực quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra cam kết bất ngờ về việc giảm đáng kể lượng khí thải của quốc gia.

 

Một nhà máy chế biến than ở Hà Tân, Trung Quốc
Một nhà máy chế biến than ở Hà Tân, Trung Quốc

Các nhà bảo vệ môi trường hoan nghênh cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình về việc tăng tốc độ giảm lượng khí thải ở quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới và đạt mức độ trung hòa carbon vào năm 2060. Nhưng cách Bắc Kinh thực hiện lời hứa đó vẫn còn bỏ ngỏ.

Cam kết mang tính kiến tạo về chính sách

Trước đây, Trung Quốc lập luận rằng, với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển, họ không cần phải chia sẻ gánh nặng kiềm chế khí thải như các quốc gia phát triển - nơi ô nhiễm không được kiểm soát trong nhiều thập niên. Dù vậy, Trung Quốc hiện đang thể hiện thái độ trái ngược, tự đặt ra các mục tiêu cho một quốc gia khao khát trở thành siêu cường.

Theo Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, Trung Quốc cam kết đạt lượng khí thải cao nhất vào khoảng năm 2030, sau đó giảm dần. Hôm 22/9, ông Tập Cận Bình hứa dời thời gian biểu đó lên sớm hơn. Điều gây ngạc nhiên nhất là Trung Quốc khá tự tin về khả năng đạt “mức độ trung hòa carbon” - nghĩa là lượng khí thải carbon ròng của quốc gia sẽ chạm mức 0 - vào năm 2060.

Hơn 60 quốc gia khác đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, thời hạn mà các nhà khoa học đưa ra để thế giới có cơ hội ngăn chặn thảm họa khí hậu toàn cầu. Nhưng những quốc gia đó nhỏ so với Trung Quốc, quốc gia tạo ra 28% lượng khí thải của thế giới. 

Trung Quốc cần phải đảo ngược xu hướng phát thải 

Trong những năm gần đây, các nhà phân tích cảnh báo về xu hướng đáng lo ngại trong cam kết chống lại sự nóng lên toàn cầu của Trung Quốc, khi phải đối mặt với suy thoái kinh tế. Điển hình là mức tiêu thụ than - vốn đã giảm từ năm 2013 đến năm 2017 nhờ chính sách cải thiện chất lượng không khí - bắt đầu tăng trở lại trong những năm gần đây khi nền kinh tế đối mặt với những khó khăn và chính phủ tìm cách kích thích tăng trưởng công nghiệp.

Sự gia tăng bị gián đoạn do COVID-19 nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi nhanh hơn các nước khác. Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và khí sạch (Phần Lan) chỉ ra rằng, vào tháng Năm, lượng khí thải carbon dioxide từ sản xuất năng lượng, sản xuất xi măng và các mục đích công nghiệp khác ở Trung Quốc cao hơn 4% so với năm trước. Trung Quốc cũng cấp nhiều giấy phép xây dựng hơn cho các nhà máy nhiệt điện than trong sáu tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Li Shuo - cố vấn chính sách của Tổ chức Hòa bình xanh Trung Quốc - cho biết, cam kết trung lập carbon đòi hỏi một sự chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế Trung Quốc. 

Trong khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp tiêu thụ than, Trung Quốc cũng nổi lên như một quốc gia đi đầu trong công nghệ năng lượng sạch, bao gồm sản xuất các tấm pin mặt trời và tua-bin gió. Đây cũng là nhà sản xuất ô tô điện và xe buýt lớn nhất thế giới. Điều đó giúp chính phủ có vị trí tốt để thực hiện việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, nhất là khi Bắc Kinh đã đưa ra cam kết chính trị với thế giới. 

Phương hướng giảm phát thải vẫn chưa rõ ràng

Khung thời gian 40 năm để đạt được thành công trong việc phát thải carbon dioxide gần bằng 0 phụ thuộc nhiều vào những đột phá công nghệ trong tương lai và không loại trừ khả năng trì hoãn. Một dấu hiệu cần thiết cho thấy quyết tâm thực hiện hành động tức thì của Trung Quốc là các mục tiêu của Bắc Kinh trong kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo, dự kiến được đưa ra trong kỳ họp Quốc hội mùa xuân năm 2021, sự kiện mà các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa nhất trí về chương trình nghị sự.

Jorrit Gosens - nhà nghiên cứu về quá trình chuyển đổi quyền lực của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc - đề cập: “Câu hỏi lớn là liệu kế hoạch 5 năm lần thứ 14 có giữ giới hạn công suất điện than ở mức 1.100 gigawatt vào năm 2030 hay đặt ra một mức mới, thấp hơn hoặc cao hơn”. 

Kế hoạch mới này cũng có thể khẳng định mục tiêu của Trung Quốc trong việc sản xuất 20% năng lượng điện từ các nguồn tái tạo vào năm 2030 như đã nêu trước đây. Nói cách khác, để đáp ứng lời cam kết của mình, Trung Quốc sẽ phải định hình lại toàn diện hệ thống tài chính lớn thứ hai thế giới, đề ra các phương pháp hạn chế, xử phạt, cân bằng khí thải cho tất cả các lĩnh vực từ chăn nuôi gia súc đến lĩnh vực ô tô - những điều mà phát ngôn của Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 22/9 chưa nêu rõ. 

Tấn Vĩ  (theo NY Times, Financial Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI