Trung Quốc gửi "thông điệp" đến PCA trước ngày phán xét

05/07/2016 - 06:05

PNO - Càng cận kề ngày phán xét, Trung Quốc càng có những động thái quân sự cứng rắn, mạnh mẽ. Dường như qua những bức tiến quân sự ngang ngược này, Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp "bất phục" trước thế giới

Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành tập trận trong vòng một tuần ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa hiện có tranh chấp với Việt Nam. Cuộc thao dượt quân sự này dự kiến sẽ kết thúc một ngày trước khi Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết về vụ Philippines kiện Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông.

Theo thông báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc, cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 5 tới 11/7, và trong khoảng thời gian này, tàu bè sẽ bị cấm vào vùng lãnh hải diễn ra cuộc thao dượt.

Trung Quoc gui
Trung Quốc tuyên bố sẽ mở cuộc tập trận ở Hoàng Sa - Việt Nam

Ông Malcolm Cook, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng: "Nhìn chung, cuộc tập trận cho thấy Trung Quốc muốn chứng tỏ quyết tâm bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình ở biển Đông. Việc Bắc Kinh nói sẽ chặn các tàu bè [nước ngoài] cho thấy Trung Quốc coi đó là vùng đặc quyền của mình, chứ không coi đó là vùng biển quốc tế còn trong vòng tranh chấp với Việt Nam”.

Cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng nước ông sẽ không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh giữa tiếng vỗ tay vang dội, ông Tập nói: “Không quốc gia nào nên kỳ vọng chúng ta phải nuốt viên thuốc đắng, gây tổn hại tới các quyền lợi về chủ quyền, an ninh hoặc sự phát triển của chúng ta”.


Ngoài cuộc tập trận ở biển Đông, Trung Quốc cũng đang cùng đồng minh là Nga mở cuộc tập trận hoành tráng tại các khu vực Moscow và Smolensk của Nga. ​

Trung Quoc gui
Cuộc tập trận giữ Trung Quốc và Nga

Cuộc tập trận chung diễn ra từ ngày 3-14/7 với sự tham gia của các đơn vị đặc nhiệm "Báo tuyết" và "Chim ưng" thuộc lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc (PAP) và "Vityaz" của Vệ binh Quốc gia Nga (Rosgvardiya).

"Mối quan hệ láng giềng Nga - Trung là sợi dây chiến lược nối liền hai nước. Hôm nay, chúng tôi bắt đầu giai đoạn hợp tác mới. Chúng tôi rất vui mừng khi có mối quan hệ hữu nghị với đối tác và hai bên sẵn sàng tiến hành các nhiệm vụ chung", RIA Novosti dẫn lời Tham mưu trưởng Vệ binh Quốc gia Nga, ông Sergey Chinchik, cho hay.

Trong khi đó, theo phía Trung Quốc, đây là lần thứ 3 các lực lượng nội vụ của hai nước tổ chức tập trận chung và đang nỗ lực nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời tăng cường an ninh theo kịch bản về một mối đe dọa khủng bố trong khu vực.

Mặc dù cuộc tập trận này không liên quan đến vấn đề biển Đông đang sôi sục nhưng qua hoạt động quân sự chung với Nga này, Trung Quốc đang muốn khẳng định mối thân tình với đồng minh của mình trước thế giới. Bởi Nga là 1 trong 3 nước có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới, luôn khiến châu Âu - người đã tuyên bố sẽ bắt Trung Quốc thực hiện phán quyết của tòa - phải dè chừng.

Trung Quoc gui
Trung Quốc tranh thủ sự ủng hộ của "ông lớn" Nga, bắn đi thông điệp bất phục trước thế giới

Theo ông Vasily Kashin, Trung Quốc có thể tranh thủ được ủng hộ của Nga chính vì Moscow luôn luôn phản bác sự có mặt của các "quốc gia bên ngoài", đặc biệt là Hoa Kỳ, trong tranh chấp Biển Đông.

Ông Kashin nói: "Chính sách đối ngoại không đổi của Nga là chống lại sự can dự của Hoa Kỳ ở bất cứ nơi nào".

Nói về "thông điệp" mà Trung Quốc muốn "bắn tin" cho thế giới, ông Ashley Townshend, nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney, cho rằng, thời điểm tổ chức tập trận là nhằm cho thấy Trung Quốc "bất phục" phán quyết của tòa quốc tế.

"Việc khuếch trương sức mạnh có lẽ là để trấn an dư luận trong nước, rằng Bắc Kinh không chịu khuất phục áp lực của bên ngoài. Nó cũng gửi tín hiệu tới Hoa Kỳ và Asean rằng Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh hiện diện quân sự tại Biển Đông cho dù tòa quyết định ra sao chăng nữa."

Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga, cũng đồng ý với nhận định về thông điệp chính trị của Trung Quốc qua cuộc tập trận.

Như vậy, có thể thấy càng cận kề ngày Tòa đưa ra phán quyết, Trung Quốc càng tỏ ra cứng đầu và bất phục. Qua hai cuộc tập trận trước ngày xét xử này, Bắc Kinh như mốn gửi đi một "thông điệp rắn" thách thức toàn thế giới.

Hà Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI