Trung Quốc giúp Campuchia xây kho dự trữ lúa: Hồi chuông cảnh tỉnh

24/09/2016 - 11:00

PNO - Thị trường gạo của Campuchia dù mới xuất hiện nhưng tăng trưởng đều, có thương hiệu tốt. Trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhiều thứ 3 thế giới nhưng xét về chất lượng thì gạo Việt đã thua hẳn Campuchia và Lào.

Mới đây, Giám đốc Ngân hàng Phát triển nông thôn (RDB) của Campuchia, ông Kao Thach cho biết chính phủ nước này sẽ cùng với các doanh nghiệp xây dựng các kho lúa gạo và sẽ có các lò sấy lúa đi kèm, với dự kiến công suất dự trữ đạt khoảng 1,2 triệu tấn/ngày.

Giám đốc Kao Thach cho biết với dự án xây dựng các kho dự trữ lúa gạo và các lò sấy đi kèm, Chính phủ Campuchia dự định sẽ vay từ phía Trung Quốc và phần còn lại sẽ hợp tác với tư nhân. Dự án này có trị giá khoảng 300 triệu USD và dự kiến được hoàn thành vào năm 2017.

Trung Quoc giup Campuchia xay kho du tru lua: Hoi chuong canh tinh
Campuchia xây dựng các kho lúa gạo lớn

Động thái này từ phía Trung Quốc khiến không ít người đặt ra câu hỏi, họ làm vậy nhằm mục đích gì, liệu đây có là sự giúp đỡ đơn thuần vô tư hay tất cả đều nằm trong sự tính toán của Trung Quốc. Ở trường hợp này, Campuchia đóng vai trò như thế nào trong chiến lược của Trung Quốc.

Ý đồ của Trung Quốc

Phân tích sự việc, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế thương mại cho rằng: "Không có sự giúp đỡ nào là vô tư, mọi động thái của Trung Quốc đều có sự tính toán từ trước. Nó chỉ là bài toán đầu tư, không lấy lại bằng cách này sẽ lấy lại bằng cách khác".

Trong trường hợp của Trung Quốc và Campuchia, ông Nam nhận xét: Quyết định của Trung Quốc như một động thái nhằm đáp lại thái độ của Campuchia đối với mình thời gian qua. Nó ngầm khẳng định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia ngày càng gắn bó, sắt son hơn cả về kinh tế lẫn chính trị.

"Tất cả đều nằm trong chiến lược đã được giăng sẵn của Trung Quốc. Những khoản đầu tư, viện trợ hậu hĩnh vô điều kiện từ Trung Quốc là cách lôi kéo nước này về phía mình nhưng cũng là chiến lược buộc chặt Campuchia vào với Trung Quốc, từng bước khiến nước này bị lệ thuộc trong các quyết sách đối ngoại và đối nội", TS. Nam lưu ý.

Vị chuyên gia dẫn một ví dụ, trong kinh tế, Trung Quốc không ngừng gia tăng đầu tư vào kinh tế thương mại, công nghiệp, khai khoáng... quyết định xây dựng cơ sở hạ tầng tạm trữ lúa gạo chỉ là bước đi tiếp theo của Trung Quốc.

Đầu tư vào lúa gạo tại Campuchia có thể Trung Quốc đang xây dựng một cứ điểm chuyên cung cấp lương thực phục vụ cho nhu cầu của nước này. Trong chính trị, Trung Quốc lôi kéo, tác động Campuchia.

Cần phải hiểu rằng, ở đây không đơn thuần chỉ là mục đích kinh tế mà đã có mục đích chính trị đan xen giữa các hợp đồng kinh tế giữa hai nước.

Nguy cơ tụt hậu

TS. Nam cũng bày tỏ sự lo lắng trước vấn đề, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Campuchia sẽ trỗi dậy mạnh mẽ trong khi Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí mỗi ngày một tụt hậu xa hơn.

Theo vị chuyên gia, ông nhận thấy tiềm lực phát triển lúa gạo của Campuchia là rất lớn. Đất nước này có diện tích lớn, có môi trường, chính sách thuận lợi. Hạn chế lớn nhất của Campuchia là đầu tư về thủy lợi. Đây là điểm yếu của Campuchia mà nếu được Trung Quốc đầu tư vào chắc chắn họ sẽ vươn lên mạnh mẽ.

Một điểm đáng lưu ý khác đó là, thị trường gạo của Campuchia dù mới xuất hiện nhưng tăng trưởng đều, có thương hiệu tốt. Trong khi Việt Nam vẫn được coi là nước xuất khẩu gạo nhiều thứ 3 thế giới nhưng xét về chất lượng thì gạo Việt đã thua hẳn Campuchia và Lào.

PGS TS. Nguyễn Văn Nam cảnh báo rằng, sự yếu kém trong ngành lúa gạo Việt Nam đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng Việt Nam không chịu thay đổi mà rất thụ động, chỉ ngồi chờ ăn sẵn.

"Trong khi một nước không ngừng vươn lên, còn một nước chỉ đứng im hoặc tụt xuống thì sớm muộn cũng bị bỏ lại phía sau. Như vậy đến lúc đó ngay cả vị trí thứ 3 về số lượng cũng khó có thể giữ nổi"

Cần phải thay đổi

Đề xuất giải pháp giúp Việt Nam vượt qua những thách thức, khó khăn hiện tại, TS. Nam cho rằng, Việt Nam chỉ cần học cách làm của Campuchia đó là xóa bỏ hoàn toàn các doanh nghiệp quốc doanh, để tư nhân làm lúa gạo.

Ông Nam cho biết, ở Campuchia thị trường kinh doanh lúa gạo hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, hoàn toàn không có sự can thiệp của các doanh nghiệp quốc doanh như VinaFood 1, VinaFood 2 như ở Việt Nam.

Thị trường lúa gạo Campuchia phát triển rất sôi động, tất cả được cạnh tranh với nhau theo cơ chế bình đẳng, công bằng. Chính vì có sự cạnh tranh lành mạnh nên ngành lúa gạo của Campuchia phát triển rất nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt về chất lượng.

Trong khi đó ở Việt Nam, sự độc quyền, thao túng giá cả, làm loạn thị trường lúa gạo của các doanh nghiệp quốc doanh lại chính là rào cản lớn nhất khiến hiệu quả sản xuất lúa gạo chưa cao và chưa bền vững.

Ngoài ra, chúng ta chưa tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn để có thể chủ động về sản lượng xuất khẩu. Chưa quy hoạch được các vùng chuyên canh theo nhu cầu của thị trường. Quá sa đà vào số lượng, diện tích, mùa vụ thay vì đi vào cải thiện chất lượng, nâng cao năng suất.

Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất lúa gạo của nước ta vẫn tồn tại nhiều bất cập. Một yếu tố cực kỳ quan trọng là năng lực chế biến, dự trữ lưu thông còn rất hạn chế. Giá trị gia tăng trong khâu chế biến gạo mới đóng góp khoảng 19-20%, trong khi đó ở Thái Lan là 26%. Thất thoát sau thu hoạch vẫn còn chiếm tới 11-12%.

Hệ thống kho chứa, công tác lưu thông phân phối cũng còn quá nhiều bất cập. Các chính sách hỗ trợ cũng kém hiệu quả nhất là các chính sách về vốn đầu tư.

"Chuỗi sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang rất rời rạc chưa có tính hệ thống. Tình trạng độc quyền, đầu cơ gia tăng dẫn tới hiệu quả của thương mại đem lại cho ngành lúa gạo nói chung và Việt Nam nói riêng chưa cao và chưa bền vững", TS. Nam lưu ý.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế thương mại nhắc lại một lần nữa về việc, cần phải xóa bỏ các doanh nghiệp quốc doanh là VinaFood 1 và VinaFood 2 để thực hiện tái cơ cấu toàn diện ngành lúa gạo.

Tái cơ cấu toàn diện không phải bằng cách xin cơ chế đặc thù để về xử lý các khoản nợ. Phải thu những khoản nợ khó đòi và tài sản không cần dùng chờ thanh lý, không đủ điều kiện để xử lý theo quy định hiện hành khi thực hiện cổ phần hóa.

Hoàng Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI