Trung Quốc giữ nguồn nước Mê Kông làm “con tin”

24/04/2020 - 06:02

PNO - Trung Quốc xây dựng 11 con đập khổng lồ trên sông Mê Kông - đoạn Lan Thương, khiến hàng triệu cư dân sống ở hạ lưu khát khô.

Ngày 22/4, nghiên cứu mới về tác động đập thủy điện Trung Quốc với sông Mê Kông đã được đăng tải trên tạp chí Foreign Policy. Nghiên cứu cho thấy, Trung Quốc xây dựng 11 con đập khổng lồ trên sông Mê Kông - đoạn Lan Thương, tùy tiện ngăn chặn dòng chảy tự nhiên sang Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, khiến hàng triệu cư dân sống ở hạ lưu khát khô.

Quản lý nước thiếu minh bạch

Dòng sông Mê Kông với 20% sản lượng cá nước ngọt của thế giới phụ thuộc vào dòng chảy từ núi tuyết và lượng mưa gió mùa. Các con đập có thể lưu trữ nước trong một thời gian, sau đó giải phóng qua các máy phát điện tua-bin quay hoặc cửa xả. Việc cố ý giữ nước dường như là một đòn ngoại giao mà Bắc Kinh muốn áp dụng lên các quốc gia trong khu vực.

 

Đập Xiaowan trên sông Lan Thương (thượng nguồn sông Mê Kông) tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
Đập Xiaowan trên sông Lan Thương (thượng nguồn sông Mê Kông) tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng những con đập này đầu những năm 1990, các nước ở hạ nguồn không ngừng lo lắng về việc Bắc Kinh có thể sử dụng một loạt hồ chứa lớn để giữ nguồn nước làm “con tin”. Ngoài mặt, Trung Quốc coi dữ liệu quản lý nước là một bí mật quốc gia, các tổ chức nghiên cứu rất khó đưa ra kết luận về mực nước dưới quyền quản lý của Bắc Kinh trên sông Mê Kông. 

Nhưng đầu tháng 4/2020, khi dữ liệu mới đáng chú ý dựa trên các phép đo đạc vệ tính khách quan được Trung tâm Tư vấn khí hậu Eyes on Earth do Chính phủ Mỹ hậu thuẫn công bố, sự thật về việc đập nước thượng nguồn của Trung Quốc chặn dòng nước - ngay cả khi các quốc gia ở hạ nguồn phải chịu hạn hán chưa từng thấy đã được làm sáng tỏ.

Hằng năm, sông Mê Kông dâng lên và hạ xuống theo chu kỳ thời tiết, khi lượng nước khổng lồ được điều chỉnh bởi những cơn mưa gió mùa và tuyết tan chảy xuôi dòng từ dãy Himalaya. Tuy nhiên, dọc theo biên giới Thái Lan - Lào từ tháng 6-11/2019, dòng chính của sông Mê Kông đã cạn kiệt, chỉ còn trơ cát đá. Tháng Bảy cùng năm, mực nước sông giảm đến mức máy bơm không thể tiếp cận, Chính phủ Thái Lan phải huy động quân đội tiến hành cứu trợ người dân quanh vùng.

Mùa thu, hồ Tonle Sap thường sẽ đầy tràn nhờ những cơn gió mùa và dòng chảy chính của sông Mê Kông trong suốt năm tháng, cung cấp cho người dân Campuchia tới 70% lượng thực phẩm chứa đạm. Năm 2019, việc nước hồ tràn bờ - thường được mô tả như “nhịp tim” của sông Mê Kông - chỉ kéo dài năm tuần và các báo cáo cho thấy lượng lương thực khoảng 500.000 tấn mỗi năm bị giảm mạnh. Các nhà quan sát ban đầu kết luận rằng, mức độ khô hạn của dòng chảy chính là do lượng mưa thấp quanh lưu vực sông Mê Kông rộng lớn, cùng với kiểu thời tiết El Niño khiến phần lớn khu vực trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, hàng triệu người không thể tiếp cận với nước ngọt và sông ngòi nhiễm mặn trầm trọng. 

Tương lai ảm đạm

Nghiên cứu mới từ Eyes on Earth (Mỹ) cung cấp cho thế giới một lý do khác ngoài hạn hán tự nhiên: trong sáu tháng năm 2019, các hồ đập tại Trung Quốc đã chặn một lượng nước lớn chưa từng có của sông Mê Kông. Lượng nước bị giữ lại nhiều đến mức triệt tiêu hoàn toàn mực nước gia tăng hằng năm do gió mùa tại khu vực biên giới Trung Quốc - Thái Lan ở Chiang Saen. 

Dữ liệu cũng cho thấy, trong khi một đợt hạn hán khắc nghiệt kéo dài ở hạ lưu, đoạn sông Lan Thương chảy qua tỉnh Vân Nam có thời tiết ẩm ướt hơn bình thường. Nếu hệ thống đập của Trung Quốc không làm thay đổi dòng chảy giữa thượng nguồn và hạ lưu thì sẽ có đủ nước trong dòng chảy chính để giữ mực nước ở mức bình thường cho hầu hết khu vực biên giới Thái Lan - Lào vào mùa khô. Ngoài ra, bằng chứng của nghiên cứu giúp giải thích hiện tượng lũ lụt cực đoan xảy ra ở đoạn sông thuộc vùng biên giới Thái Lan - Lào trong mùa khô, đôi khi khiến mực nước sông nâng cao vài mét trong đêm và gây thiệt hại hàng triệu USD cho các cộng đồng ven sông địa phương.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ nghiên cứu của Eyes on Earth, gọi đây là một âm mưu do chính phủ Mỹ điều khiển, ngay cả trước khi nghiên cứu chính thức công bố trên trang mekongwater.org - trang web chính thức của chương trình Sáng kiến dữ liệu nước sông Mê Kông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhưng nếu bằng chứng tiếp tục cho thấy mức độ rộng lớn mà Trung Quốc đang hạn chế nước từ dòng chính sông Mê Kông, chắc chắn Bắc Kinh sẽ phải đối mặt trực diện với làn sóng phản đối từ các nước láng giềng. Bởi với hệ sinh thái mỏng manh của hạ lưu sông Mê Kông, tình trạng hạn hán ngày càng gia tăng và hàng chục triệu người vẫn dựa vào dòng sông để sinh tồn, mối quan hệ “hợp tác phát triển” mà Bắc Kinh mong muốn thực hiện cùng các nước láng giềng sẽ ngày càng trở nên xa vời. 

Tấn Vĩ (theo Foreign Policy, Reuters)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Mai Toan 25-04-2020 15:58:20

    Dòng sông và nước trên đó là tài sản của họ . Ta phải tính đến chuyện không xin xỏ tài nguyên của họ .Việc đắp đập giữ ngọt ngăn mặn là việc con cháu chúng ta phải làm . Từ đây về sau thế hệ chúng ta sẽ không bao giờ thấy lũ ở miền Tây đâu . Phải tự cứu mình không xin xỏ sự thương hại của ai .

  • Nguyễn Viết Hiển 25-04-2020 10:33:04

    Bài viết rất có ý nghĩa đối với nước ta. Báo phụ nữ cần đặt hàng các nhà nghiên cứu trong nước viết về đề tài quan trọng này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI