Trung Quốc: Giới trẻ tổ chức lễ ăn mừng "giải thoát" sau khi nghỉ việc

25/08/2023 - 06:27

PNO - Những lý do phổ biến nhất khiến giới trẻ Trung Quốc rời bỏ công việc vì làm việc nhiều giờ, bị bắt nạt, môi trường làm việc độc hại, thiếu sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

 

Giới trẻ Trung Quốc vui sướng xem nghỉ việc là cơ hội nói hết suy nghĩ kiềm nén bấy lâu của mình với quản lý và đồng nghiệp.
Giới trẻ Trung Quốc vui sướng xem nghỉ việc là cơ hội nói hết suy nghĩ kiềm nén bấy lâu của mình với quản lý và đồng nghiệp

Các nhân viên trẻ ở Trung Quốc đã bắt đầu coi việc từ nhiệm như tổ chức lễ cưới, khi các cuộc chiến, bất đồng văn hóa giữa các thế hệ vẫn tiếp diễn ở nước này.

Một lao động trẻ tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc tiết lộ trên mạng rằng sau khi đưa ra thông báo nghỉ việc, anh ta đã ngay lập tức thay ảnh đại diện của mình trong hệ thống nội bộ của công ty bằng dòng chữ: “Một người hầu khiêm tốn không thể phục vụ chủ mình được nữa. Haha, tôi cảm thấy rất tốt".

Một người phụ nữ khác cũng đã thay đổi hình nền máy tính của mình thành đồng hồ đếm ngược kỹ thuật số vào ngày làm việc cuối cùng của cô ấy.

Nhiều người thậm chí còn tổ chức các bữa tiệc với bạn bè tại nhà hoặc tại các quán bar và nhà hàng để ăn mừng. Một số còn dựng biểu ngữ ca ngợi quyết định của mình, đưa ra những lời chúc tốt đẹp nhất cho tương lai của họ.

Căng thẳng và làm việc quá sức, những người trẻ tuổi Trung Quốc đã bắt đầu từ bỏ những công việc mà họ không thể chịu đựng được nữa, Sina News đưa tin.

Xu hướng này đã trở nên phổ biến trên các phương tiện truyền thông xã hội đại lục, nơi những hình ảnh và video về việc nghỉ việc, để lại lời nhắn với quản lý và các đồng nghiệp trở nên bùng nổ. Nhiều người tận dụng cơ hội này để cho quản lý và đồng nghiệp biết họ thực sự cảm thấy thế nào vào ngày làm việc cuối cùng như để bày tỏ uất ức.

Những lý do phổ biến nhất khiến giới trẻ bỏ việc phần lớn vì phải làm việc nhiều giờ, bị bắt nạt, môi trường làm việc độc hại, thiếu sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Hiện tượng này đã gây ra nhiều tranh cãi hơn ở Trung Quốc, nơi nó được coi là sự mở rộng của văn hóa "nằm yên" phổ biến (lying flat), thuật ngữ mô tả thanh niên làm việc chỉ để đủ sống qua ngày.

Thất nghiệp đang là vấn đề lớn ở Trung Quốc, đặc biệt ở thanh niên. Tỉ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 16 tới 24 ở mức hơn 20% trong thời gian từ tháng 4 - 6, chỉ giảm xuống 19,9% trong tháng 7, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia.

Thu Hương (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI