Trung Quốc: Giới trẻ cắt giảm "tình phí" vì áp lực tài chính

14/08/2024 - 13:13

PNO - Áp lực tài chính và tình trạng thiếu việc làm - hậu quả của khủng hoảng kinh tế - đang khiến giới trẻ Trung Quốc có xu hướng cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu không cần thiết.

Giớ trẻ Trung Quốc từng chi mạnh tay cho các khoản tình phí khi Trung Quốc đang ở giai đoạn kinh tế phát triển mạnh mẽ - Ảnh: Li Jiaxian/China News Service/VCG/Getty Images
Giớ trẻ Trung Quốc từng chi mạnh tay cho các khoản "tình phí" khi nước này đang ở giai đoạn kinh tế phát triển mạnh mẽ - Ảnh: Li Jiaxian/China News Service/VCG/Getty Images

Đã từng có thời gian người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đôi tình nhân hay cặp vợ chồng trẻ trao cho nhau bó hoa hồng cỡ lớn cùng những món quà tặng đắt tiền như điện thoại iPhone và túi xách Louis Vuitton, hoặc cùng nhau thưởng thức bữa tối tại các nhà hàng sang trọng.

Đó là thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ "khiến cả thế giới phải ghen tị”, như bình luận của hãng tin CNN hôm 14/8.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đang thay đổi theo chiều hướng u ám hơn, bởi ngay cả lễ Tình nhân của người Trung Quốc (ngày 7/7 Âm lịch, còn gọi là ngày Thất tịch) – là một dịp lễ quan trọng vốn được giới trẻ ở quốc gia tỉ dân đặc biệt quan tâm – thế nhưng sức mua của người dân đối với các món đồ xa xỉ sụt giảm đáng kể, mà nguyên nhân chính là do nền kinh tế trì trệ và thị trường việc làm khó khăn.

Hashtag “Thắt chặt chi tiêu dịp lễ Tình nhân” trở thành chủ đề phổ biến nhất trên nền tảng mạng xã hội Weibo vào thứ Bảy tuần trước (10/8), thu hút 200 triệu lượt chia sẻ và bình luận, phần nào phản ánh xu hướng cắt giảm tối đa các khoản chi cho “tình phí” của giới trẻ Trung Quốc.

Chủ một số shop hoa tươi cũng đăng tải hình ảnh những bó hoa hồng nằm im lặng trên kệ hoa từ sáng đến chiều vì không có ai mua.

Những hình ảnh như thế này trở nên thiếu vắng trên mạng xã hội Trung Quốc trong dịp Lễ tình nhân diễn ra vào ngày 7/7 Âm lịch mới đây - Ảnh: Huang Jinkun/VCG/Getty Images
Những hình ảnh như thế này trở nên thiếu vắng trên mạng xã hội Trung Quốc trong dịp Lễ tình nhân - ngày 7/7 Âm lịch mới đây - Ảnh: Huang Jinkun/VCG/Getty Images

Trong những tuần gần đây, một số tập đoàn đa quốc gia từ phương Tây đang làm ăn tại Trung Quốc như hãng mỹ phẩm L'Oreal, nhãn hàng kim cương De Beers, nhà sản xuất ô tô Volkswagen và Mercedes liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sức tiêu thụ hàng hóa "quá yếu ớt", trong khi tình trạng ảm đạm này chưa biết sẽ còn kéo dài đến khi nào.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - hiện đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy do khủng hoảng kinh tế gây ra, từ việc chi tiêu cho tiêu dùng chậm chạp đến tình trạng bất động sản sụt giảm liên tục và khủng hoảng nợ công ngày càng gia tăng.

Giáo sư Alfred Wu công tác tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói rằng, những người trẻ ở Trung Quốc từng là nhóm đối tượng chi tiêu mạnh tay nhất thì giờ đây đang phải thắt chặt hầu bao do gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

Giới trẻ Trung Quốc ngại yêu vì phải đối mặt với áp lực tài chính và việc làm - Ảnh: Tingshu Wang/Reuters
Giới trẻ Trung Quốc ngại yêu vì phải đối mặt với áp lực tài chính và việc làm - Ảnh: Tingshu Wang/Reuters

Khủng hoảng kinh tế cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực khuyến khích giới trẻ kết hôn mà chính phủ Trung Quốc đang triển khai như một giải pháp giúp giải quyết tỷ lệ sinh giảm và dân số già.

Số liệu thống kê từ Bộ Nội vụ Trung Quốc cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, có 3,43 triệu cặp vợ chồng kết hôn, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ 10 năm trước.

“Khi những người trẻ đang gánh những khoản nợ nần hàng chục ngàn nhân dân tệ, và phải làm việc đến kiệt sức cả cuối tuần để kiếm thêm thu nhập thì họ đâu còn tâm trạng để hẹn hò?”, một tài khoản mạng xã hội Weibo đặt câu hỏi.

Nguyễn Thuận (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI