Trung Quốc: Giảng viên danh tiếng bị tẩy chay vì nghi lạm dụng tình dục

27/08/2018 - 14:24

PNO - Tình cờ bị phanh phui trên mạng xã hội, một giảng viên đại học ở Trung Quốc đã phủ nhận mọi cáo buộc, và đe dọa kiện ngược lại nếu cần.

Trung Quoc: Giang vien danh tieng bi tay chay vi nghi lam dung tinh duc
Nhiều vụ việc quấy rối xảy ra tại nơi làm việc ở Trung Quốc bị ứng xử như các tranh chấp lao động thông thường. Ảnh: Shutterstock

Một giảng viên đại học có vị thế ở Trung Quốc và Australia trở thành tâm điểm của hàng loạt cáo buộc trong phong trào #MeToo đang lan rộng. Công việc mới của người này đã bị “treo” cho đến khi các cáo buộc được điều tra đến nơi đến chốn.

Đó là ông Non Arkaraprasertkul, một nhà nhân chủng học được đào tạo ở Harvard, tham gia giảng dạy ở ĐH Sydney và ĐH New York Thượng Hải – liên danh giữa ĐH New York và ĐH Hoa Đông. Ông Non Arkaraprasertkul phủ nhận tất cả cáo buộc chống lại ông.

Trong số những người nhận là nạn nhân có một phụ nữ Trung Quốc. Cô giấu tên khi trao đổi với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, cho biết vụ việc của cô xảy ra cách đây một năm ở ĐH Sydney.

“Linda” lúc đó đang học kỳ 2 chương trình cao học thì được mời lên văn phòng của Arkaraprasertkul, người từng hướng dẫn cô, để nói chuyện.

Cô kể, ở đó, ông ta nói có cảm tình với cô và cố tình hôn, dù cô đã nói “không”. “Tôi sốc và bối rối quá. Não tôi ngừng hoạt động luôn. Theo bản năng tôi đẩy ông ta ra và chạy đi”, Linda nói.

Trung Quoc: Giang vien danh tieng bi tay chay vi nghi lam dung tinh duc
Non Arkaraprasertkul, một nhà nhân chủng học được đào tạo ở Harvard, đang là tâm điểm của một loạt cáo buộc quấy rối.

Theo cô, Arkaraprasertkul vẫn tiếp tục quấy rối, nhắn tin gọi điện, vài ngày liền cho đến khi cô chặn số của ông ta. Sau khi thi trượt và bị trầm cảm hơn hai tháng, cô tìm đến dịch vụ tư vấn của nhà trường để được giúp đỡ, nhưng lúc đó cô không tiện nói ra tên của người quấy rối.

“Lúc đó ông ta vẫn đang làm việc ở trường và tôi sợ nếu tố cáo thì sẽ bị trả thù”, Linda nói. “Tôi cũng đã xóa hết các tin nhắn, không có ghi âm hay ghi lại video nào, vì chuyện xảy ra trong văn phòng của ông ta”.

Ít nhất 4 phụ nữ nữa đã đưa ra cáo buộc tương tự với Arkaraprasertkul, sau khi một bài báo ở Trung Quốc đăng tải, và nhiều người nhận ra ông qua bài báo đó. Bài báo này kể chi tiết chuyện một phụ nữ giấu tên tố cáo bạn trai cũ, không nêu tên, bạo hành mình cả về thể xác và tinh thần.

Dựa theo thông tin trong bài báo, như trình độ học vấn và kinh nghiệm giảng dạy, nhân vật chính được độc giả xác định là Arkaraprasertkul, một người Thái gốc Hoa, có tên tiếng Trung là Wang Guangliang.

Đáp lại các cáo buộc này, ông ta nói mình “về tinh thần tuyệt nhiên không có khả năng bạo lực thể xác”. “Tôi chưa từng sử dụng bạo lực thể xác với bất cứ ai trong 36 năm cuộc đời mình”, ông ta nói. Ông ta cũng cho biết đang chuẩn bị “chứng cứ và dữ liệu” để kiện lại nếu cần thiết.

Trung Quoc: Giang vien danh tieng bi tay chay vi nghi lam dung tinh duc
Non Arkaraprasertkul đáng lẽ đã bắt đầu giảng dạy ở ĐH Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) tháng này.

Những người tố cáo cho biết lâu nay họ đều nhờ đến các kênh chính thức, nhưng đều vô vọng.

Theo một đồng nghiệp cũ của Arkaraprasertkul ở ĐH New York Thượng Hải, nơi ông ta giảng dạy từ 2014-2016, vào tháng 2/2016, cô và một số đồng nghiệp nữ hay tin ông Arkaraprasertkul có hành vi không đứng đắn với sinh viên, và đã báo cáo lại với nhà trường.

Người phụ nữ này cho biết các sinh viên được động viên để lên tiếng, nhưng một số em im lặng vì sợ bị ảnh hưởng đến kết quả học tập. Cô cho rằng có lẽ vì lý do này mà nhà trường không phản hồi gì. ĐH New York Thượng Hải từ chối thông tin về việc điều tra hay các biện pháp họ áp dụng đối với các cáo buộc trên.

Bên cạnh các vị trí ở ĐH New York Thượng Hải và ĐH Sydney, Arkaraprasertkul còn vừa bắt đầu thỉnh giảng ở Viện Trung và Viễn Đông của ĐH Jagiellonian, Ba Lan hồi tháng Một năm nay. Ông cũng chuẩn bị đến dạy ở ĐH Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) tháng này nhưng trường cho biết đang hoãn việc tuyển dụng, sau khi thông tin về ông này đăng tải trên báo chí địa phương, khiến sinh viên tẩy chay.

Trung Quoc: Giang vien danh tieng bi tay chay vi nghi lam dung tinh duc
Zhu Jun, người dẫn chương trình truyền hình, kiện ngược những người đã chia sẻ các cáo buộc nhằm vào ông trên mạng xã hội.

Arkaraprasertkul chỉ là cái tên mới nhất trong số rất nhiều người nổi tiếng và quyền lực ở Trung Quốc bị phanh phui trên mạng xã hội trong phong trào #MeToo. Một số người đã dùng pháp luật để đối phó với các cáo buộc chống lại họ.

Khi bị cáo buộc tấn công tình dục cuối tháng trước, Zhu Jun, người dẫn chương trình truyền hình quyết định kiện một số người dùng trên mạng xã hội Weibo vì đã chia sẻ những bài viết cáo buộc nặc danh trên nền tảng mạng này. Một tòa án ở Bắc Kinh đã thụ lý vụ kiện này.

Người đưa ra cáo cuộc đối với Zhu Jun cho biết sẵn sàng ra tòa làm chứng để bảo vệ những người đã chia sẻ cáo buộc của cô trên mạng. Cùng lúc, cô đưa ra một đoạn video dài 13 phút miêu tả chi tiết sự cố của mình.

Mặc dù việc chứng minh là vô cùng khó khăn, là nguyên nhân chính khiến hầu hết các cáo buộc quấy rối tình dục không được giải quyết, nhưng những phụ nữ đã lên tiếng đều hy vọng luật pháp sẽ đứng về phía các nạn nhân.

Họ cũng mong các tổ chức cải thiện các chính sách chống quấy rối tình dục và đảm bảo môi trường làm việc và học tập tốt hơn cho các nạn nhân.

Đại An (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI