Trung Quốc ghép thận lợn cho bệnh nhân mắc bệnh thận

14/03/2025 - 17:00

PNO - Ca ghép thận này của Trung Quốc là ca đầu tiên ở châu Á.

Sau Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thực hiện ca ghép tạng dị loai2
Trung Quốc đã thực hiện ca ghép thận dị loài đầu tiên

Ngày 14/3, tờ China Daily đưa tin, gần đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Xijing, trực thuộc Đại học Y Không quân ở Tây An, Trung Quốc, đã cấy ghép 1 quả thận lợn được chỉnh sửa đa gen cho 1 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Đây là ca phẫu thuật đánh dấu một cột mốc quan trọng trong ghép tạng khác loài ở nước này.

Một nhóm chuyên gia đa chuyên khoa do Qin Weijun - giám đốc khoa tiết niệu của bệnh viện - đứng đầu, đã tiến hành ca phẫu thuật vào ngày 6/3 dưới sự hướng dẫn của Viện trưởng Dou Kefeng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.

Sau khi phục hồi lưu lượng máu, thận được ghép đã chuyển sang màu đỏ khỏe mạnh và bắt đầu sản xuất nước tiểu. 6 ngày sau ca phẫu thuật, thận được ghép vẫn hoạt động, với mức creatinine huyết thanh của bệnh nhân trở lại bình thường.

Ca phẫu thuật này đánh dấu là ca ghép thận lợn đầu tiên cho người ở châu Á. Đây cũng là một bước đột phá lâm sàng khác của Bệnh viện Xijing - nơi đã thực hiện ca ghép toàn bộ gan chỉnh hình dị loài từ lợn sang người nhận chết não thành công đầu tiên trên thế giới vào ngày 7/1.

Quả thận có nguồn gốc từ Công ty Công nghệ sinh học Clonorgan ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã được ghép sau khi được điều chỉnh gen.

Bác sĩ Qin cho biết, ghép dị chủng có thể giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt người hiến tặng nội tạng người, cung cấp giải pháp kịp thời cho những bệnh nhân có nhu cầu. Nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi chặt chẽ tình trạng đào thải miễn dịch, nguy cơ đông máu và các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn.

Ở Trung Quốc, có khoảng 130 triệu người mắc bệnh thận mãn tính và số bệnh nhân giai đoạn cuối vẫn tiếp tục tăng. Trong khi ghép thận là phương pháp chữa trị duy nhất, tình trạng thiếu hụt nội tạng buộc vô số bệnh nhân phải chịu đựng quá trình chạy thận kéo dài, thường trở nên tồi tệ hơn khi họ chờ đợi.

"Bước đột phá này mang đến những lựa chọn lâm sàng mới cho bệnh nhân và xác nhận tính khả thi của phương pháp cấy ghép dị loài. Với những nghiên cứu sâu hơn, nó có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nội tạng trên toàn cầu" - Viện trưởng Dou cho biết.

Bệnh nhân là một phụ nữ 69 tuổi đã chiến đấu với bệnh huyết áp cao nghiêm trọng, bệnh tiểu đường và các tình trạng mãn tính khác trong hơn 30 năm. Được chẩn đoán mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối cách đây 8 năm, lựa chọn duy nhất của bà là chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Do bệnh nhân có độ nhạy cảm cao với kháng nguyên của người hiến tặng, nên không có thận người tương thích nào có sẵn, khiến bà phải chạy thận 3 lần/tuần. Tình trạng của bà trở nên tồi tệ hơn sau một cơn đột quỵ 3 năm trước, và 1 cơn đau tim sau đó.

Bất chấp những thách thức này, con trai bà vẫn kiên trì chăm sóc mẹ. Anh sẵn lòng bế mẹ lên xuống cầu thang tòa nhà chung cư 4 tầng của họ mỗi ngày trong suốt 8 năm.

"Bệnh tật của mẹ là nỗi đau lớn nhất của tôi, nhưng cũng là động lực mạnh mẽ nhất để tôi cứu mẹ" - anh nói.

Sau khi biết về nghiên cứu cấy ghép dị loài của Bệnh viện Xijing, Liu và mẹ anh đã quyết định theo đuổi quy trình thử nghiệm này.

"Ai đó phải thực hiện bước đầu tiên lên mặt trăng. Chúng tôi quyết thực hiện cuộc thử nghiệm này và mang lại hy vọng cho những người khác. Mong rằng nghiên cứu sẽ mở đường cho những người khác sau này" - Liu nói.

Trọng Trí (theo China Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI