Trung Quốc ê ẩm với những "bông hồng thép"

06/08/2016 - 12:46

PNO - Chính trường Nhật Bản ngày 3/8 lại chào đón thêm một “bóng hồng” tài năng - bà Tomomi Inada (57 tuổi) đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng.

Bà Tomomi Inada từng đứng đầu Ban Chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, có chung quan điểm bảo thủ về vấn đề lịch sử thời chiến với Thủ tướng Shinzo Abe. Bà thường xuyên viếng thăm đền Yasukuni ở thủ đô Tokyo, nơi Trung Quốc và Hàn Quốc xem là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trước đây.

Trong thời điểm an ninh khu vực không ngừng căng thẳng vì vấn đề biển đảo, việc chọn người nữ luật sư thiên hữu này vào “ghế nóng” Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản được dư luận quốc tế đánh giá là muốn xác định quan điểm cứng rắn về an ninh quốc gia trong khu vực. Việc này tất nhiên đã dẫn đến sự “phản pháo” của Trung Quốc vào ngày 3/8, chỉ trích chuyện nội bộ của Nhật Bản. Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã lập tức cho rằng chính sách an ninh của Nhật Bản thiên lệch về phía cánh hữu, khi bà tân Bộ trưởng Quốc phòng kêu gọi Nhật Bản cảnh giác cao độ với Trung Quốc. Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á-Âu lần thứ 11 (ASEM 11), trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã yêu cầu Trung Quốc thừa nhận phán quyết công bố ngày 12/7 của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA).

Trung Quoc e am voi nhung
Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada - Ảnh: SI

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc ê ẩm với quan điểm của các nữ chính trị gia quốc tế. Điểm chung của những “bóng hồng” này là không ngần ngại thể hiện thái độ cứng rắn trước những chính sách thị uy, hợm hĩnh của quốc gia châu Á vốn có tham vọng bá quyền toàn cầu, bất chấp công lý, coi thường luật pháp quốc tế. Những gương mặt nữ này đều dày dạn kinh nghiệm đối ngoại, thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Tân Thủ tướng Anh Theresa May là một trong số đó. Sau khi nhậm chức, bà bất ngờ tuyên bố tạm hoãn phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point có tổng dự toán hàng chục tỷ USD trước sự ngỡ ngàng của hai đối tác chính là Trung Quốc và Pháp. Khi còn làm Bộ trưởng Nội vụ, bà Theresa May từng bày tỏ quan ngại về vấn đề an ninh khi Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne mời Trung Quốc tham gia dự án Hinkley Point. Tháng 10/2015, trên trang ConservativeHome từng có bài cảnh báo, các chuyên gia an ninh của Anh lo ngại Trung Quốc có thể tạo những lỗ hổng trong hệ thống máy tính, đánh sập việc sản xuất năng lượng của Anh. Nếu không cẩn trọng, Anh sẽ “cõng rắn vào nhà”.

Trung Quoc e am voi nhung
Từ thời còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh bà Theresa May đã không chấp nhận kế hoạch mới Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực hạt nhân của Anh, dù ông David Cameron ủng hộ

Thái độ của nữ Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng khiến Trung Quốc phải dè chừng. Trước khi có phán quyết của PCA về vấn đề Biển Đông, bà Bishop từng thẳng thừng tuyên bố không sợ đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình, các giá trị tự do và luật pháp. Sau khi có phán quyết PCA, Australia lại tiếp tục củng cố lập trường này. Bà Bishop liên tục đưa ra những tuyên bố “nặng ký” như ủng hộ bình luận của Mỹ cáo buộc Bắc Kinh gây bất ổn trên Biển Đông. Còn nhớ, năm 2013 Ngoại trưởng Julie Bishop đã triệu đại sứ Trung Quốc, kịch liệt phản đối việc Trung Quốc công bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông. Năm 2015, Australia lại cảnh cáo Trung Quốc đừng nghĩ đến chuyện lập ADIZ ở Biển Đông.

Không chỉ bà Theresa May và bà Julie Bishop luôn mạnh mẽ thể hiện lập trường. Trước đó Trung Quốc cũng bị “bẽ mặt” vì một món quà của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hai năm trước, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du đến Đức, bà Merkel đã tặng ông một tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long do nhà vẽ bản đồ người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’ Anville thực hiện, in tại Đức năm 1735. Trong tấm bản đồ này không có một số khu vực mà Trung Quốc tuyên bố thuộc lãnh thổ của mình, cũng không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Dĩ nhiên, truyền thông Trung Quốc đã “làm lơ” chuyện này. Trung Quốc đã nhiều lần tranh thủ sự ủng hộ của bà Angela Merkel đối với vấn đề Biển Đông nhưng chỉ nhận được câu đáp trả rõ ràng từ bà Merkel là hãy tìm giải pháp ở tòa án quốc tế!

Tại cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra, nếu đắc cử, bà Hillary Clinton cũng được dự đoán sẽ giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc hơn cả Tổng thống Barack Obama. Ngay từ khi giữ vị trí Ngoại trưởng Mỹ năm 2009, bà Hillary đã không ngừng đeo đuổi chính sách hạn chế dã tâm thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc. Báo chí Trung Quốc cũng không che giấu thái độ ngán ngại đối với bà Hillary. Tờ Global Times, China Daily từng có những bài xã luận chỉ trích bà Hillary với cách viết bôi bẩn cá nhân, phỏng đoán bà Hillary sẽ thất bại trong cuộc tranh cử lần này.

Quan điểm của những “bà đầm thép” trên đều xuất phát từ yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia và hòa bình thế giới, dựa trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế. Đó chính là “vũ khí” có sức công phá mạnh mẽ đối với tham vọng thôn tính các nước khác mà Trung Quốc đang bộc lộ ngày càng rõ.

Thiên Như (Theo CNA, Guardian, SMH, Daily Mail, LA Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI