Trung Quốc đóng vai trò gì trong hội nghị lịch sử Mỹ - Triều?

11/06/2018 - 14:24

PNO - Khi Mỹ và Triều Tiên chuẩn bị cho hội nghị lịch sử, không ai nhắc tới Trung Quốc. Bắc Kinh là đồng minh quan trọng và lâu đời của Bình Nhưỡng, và cũng là đối thủ chiến lược mạnh nhất và lâu dài của Washington.

Điều này mang lại cho Bắc Kinh vai trò vô cùng to lớn trong việc định đoạt xem liệu Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên liệu có thể đưa bất kỳ thỏa thuận nào tới thành công hay không.

Trung Quoc dong vai tro gi trong hoi nghi lich su My - Trieu?
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: BBC

Và khi mà lãnh đạo Mỹ - Triều chiếm trọn sự chú ý của công chúng, thì dưới đây là ba vấn đề đặt ra về một người chơi đầy quyền lực đứng trong hậu trường.

Thứ nhất, điều mà Trung Quốc muốn, có thể gói gọn trong một chữ duy nhất: đó là ổn định. Hay nói một cách khác, điều mà Trung Quốc không mong muốn nhất chính là việc miệng hố chiến tranh được đặt sát ngay biên giới của họ.

Họ hiểu quá rõ về Triều Tiên, và cũng không tin tưởng gì ở Washington trong kỷ nguyên Trump. Và họ cũng thật sự lo sợ về việc cãi nhau qua lại có thể dẫn tới leo thang và tính toán sai lầm về mặt quân sự.

Khi cân nhắc tới những điều này, trở lại bàn đàm phán và ngoại giao cũng là một cái kết cho Bắc Kinh. Nếu như lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể khiến Tổng thống Trump đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào - chẳng hạn như bất kỳ sự chuyển dịch tư thế quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ coi đây là một lợi thế cho chính họ.

Thứ hai, Trung Quốc muốn có ảnh hưởng nhất định tới Triều Tiên. Trung Quốc chiếm tới hơn 90% thương mại của Triều Tiên với thế giới bên ngoài. Nhưng Trung Quốc không đẩy Triều Tiên tới bàn đàm phán.

Ông Kim Jong Un bay tới Singapore vì những lý do chiến lược của riêng ông. Dù Trung Quốc có ký vào các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất nhằm vào Triều Tiên, thì việc thực thi các trừng phạt này cũng chủ yếu phục vụ các mục tiêu của Trung Quốc.

Tác động của việc này tất nhiên rất hạn chế, vì Triều Tiên hiểu rõ Trung Quốc sợ viễn cảnh một nền kinh tế sụp đổ ngay sát biên giới của họ còn hơn cả tình trạng hạt nhân hiện tại.

Đáng chú ý là Chủ tịch Tập Cận Bình gặp lãnh đạo Kim Jong Un lần đầu tiên cách đây 3 tháng, và gặp nhau lần nữa ngay sau đó.

Trung Quoc dong vai tro gi trong hoi nghi lich su My - Trieu?
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Singapore trên chuyến bay của hãng hàng không Trung Quốc Air China.

Thứ ba, về thành công của hội nghị đối với Trung Quốc, đó có thể là bất cứ điều gì đạt được - từ một hiệp ước cho tới lộ trình, một cái bắt tay nồng hậu và một kế hoạch mơ hồ - để duy trì việc đối thoại.

Từ góc độ của Bắc Kinh, điều đáng kể nhất về lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên không phải là đối thoại phi hạt nhân hóa, mà là các kế hoạch cải tổ nền kinh tế trong nước.

Zhao Tong, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa, Bắc Kinh, nhận định: "Bất kể hội nghị có đưa ra tiến triển gì về hạt nhân như thế nào, Trung Quốc vẫn có một mục tiêu chiến lược lâu dài quan trọng hơn. Đó là giúp Triều Tiên phát triển nền kinh tế và chuyển mình từ một quốc gia cách biệt thành một đất nước bình thường và cởi mở hơn".

Và nếu như hội nghị đổ bể, khó có thể quy về lỗi cho ông Kim Jong Un, sau tất cả những gì ông đã thể hiện.

"Nếu như Mỹ bước ra khỏi hội nghị và trở lại chiến dịch gây sức ép tối đa, Trung Quốc có thể chỉ trích Mỹ đã thất bại về ngoại giao" - ông Zhao nói.

"Và nếu như Mỹ cho thấy có bất kỳ dấu hiệu nào sẵn sàng không kích quân sự nhằm giải giáp Triều Tiên, tôi nghĩ là Trung Quốc sẽ tìm cách động binh để gửi đi tín hiệu ngăn cản Washington".

Dù cách này hay cách khác thì hội nghị tại Singapore, nhiều khả năng, đều sẽ làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Minh Thu (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI