Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng thừa cân, béo phì

06/04/2025 - 21:55

PNO - Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng béo phì, khi mà dự báo sẽ có hơn 65% người trưởng thành có thể bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2030.

Các vấn đề có thể tiêu tốn tương đương 57 tỷ USD, khoảng 22% tổng ngân sách y tế quốc gia
Theo dự đoán, vào năm 2030, có 1/3 trẻ em Trung Quốc sẽ bị thừa cân, béo phì - Ảnh: SCMP

Trung Quốc được cho là đang chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế các căn bệnh do thừa cân, béo phì gây nên như tăng huyết áp, tiểu đường và các vấn đề về tim mạch. Bởi đây là những căn bệnh sẽ gây thêm áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của cả nước.

Năm 2024, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) và các cơ quan chính phủ đã đưa ra một kế hoạch 3 năm để giải quyết vấn đề này, trong đó có các khuyến nghị về chế độ ăn uống và tập thể dục.

Tháng trước, Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch giới thiệu "những phòng khám quản lý cân nặng" tại các bệnh viện trên toàn quốc nhằm giúp mọi người quản lý căn nặng, hạn chế tăng cân.

Theo một nghiên cứu được công bố trên The Lancet vào tháng Ba, số người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì ở Trung Quốc đã vượt qua mốc 400 triệu, ở Ấn Độ là 180 triệu người, ở Mỹ là 172 triệu người. Theo dự đoán, số người thừa cân, béo phì ở Trung Quốc sẽ tăng lên 630 triệu vào năm 2050.

Nghiên cứu cũng tính ra rằng, nếu năm 2050 Trung Quốc đạt con số 630 triệu thì việc điều trị cho bệnh nhân thừa cân và béo phì vào thời điểm đó sẽ tiêu tốn 418 tỉ nhân dân tệ (57 tỉ USD), tương đương 22% ngân sách y tế quốc gia hàng năm, so với 8% của năm 2022.

Mới đây, trong cuộc họp, giáo sư Zhang Wenhong - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm - cho biết hệ thống y tế của Trung Quốc sẽ tập trung vào "giải quyết những chiếc bụng to".

"Chúng tôi muốn giúp mọi người giảm cân", ông nói thêm.

Nhưng một số người cho biết việc thay đổi lối sống là một thách thức.

Wang Xiaoni - 33 tuổi, một nhân viên ngân hàng ở Thượng Hải - cho biết, cô thường ăn uống nhiều hơn khi cảm thấy căng thẳng hay không vui và thường không có thời gian để tập thể dục.

"Tôi cũng ăn rất nhiều khi lo lắng về công việc, về việc bị sa thải khi nhiều ngân hàng cắt giảm nhân viên. Trước đây tôi rất mảnh mai, bây giờ tôi đang tiến gần đến ngưỡng béo phì" - Wang nói.

Theo NHC, không chỉ người trưởng thành bị thừa cân béo phì mà gần 1/3 trẻ em Trung Quốc trên 7 tuổi có thể bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2030, so với 19% vào năm 2018.

Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp để giải quyết vấn đề này như: thêm chỉ số BMI (Chỉ số khối cơ thể) vào các bài đánh giá giáo dục thể chất của học sinh; yêu cầu các trường dành ít nhất 1 giờ mỗi ngày cho các hoạt động ngoài trời, giảm số lượng bài tập về nhà và mở rộng thời gian nghỉ giải lao từ 10 phút lên 15 phút.

Thảo Nguyễn (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI