Trung Quốc đang thiếu trẻ em

28/02/2019 - 06:00

PNO - Mặc dù có những e ngại việc hủy bỏ chính sách một con sẽ làm tăng nguy cơ bùng nổ dân số Trung Quốc một lần nữa, nhưng thực tế lại không như vậy.

Tại Trung Quốc, chỉ có 15,23 triệu trẻ em sinh ra trong năm 2018, giảm hơn 11% so với năm 2017. Tỉ lệ sinh năm 2017 lại ít hơn so với năm 2016. 

Những con số nêu trên không có nghĩa là dân số Trung Quốc bắt đầu sụt giảm. Nó chỉ có nghĩa là dân số nước này đang già đi, và chính phủ sẽ không thể thao túng việc sinh con bằng những biện pháp hành chính nữa.

Trung Quoc dang thieu tre em
Trẻ em Trung Quốc

Hai giáo sư xã hội học là Wang Feng, Trường đại học California và Yong Cai, Trường đại học Bắc Carolina của Mỹ có những phân tích về tác động của dân số già đối với kinh tế Trung Quốc trên báo The NewYork Times.

Theo hai tác giả, tỷ lệ sinh sản tại Trung Quốc đã giảm ngay từ cuối những năm 1960, rất lâu trước năm 1980, khi chính quyền bắt đầu áp dụng chính sách một con. Nguyên nhân của sự suy giảm này bao gồm tỷ lệ trẻ sống sót được cải thiện, phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, và gần đây là tốc độ đô thị hóa ồ ạt, chất lượng cuộc sống gia tăng.

Sau nhiều thập kỷ di dân từ nông thôn ra thành phố, Trung Quốc hiện có hơn nửa tỷ dân thành thị. 6 trên 10 người Trung Quốc hiện đang sống ở thành phố, so với chỉ 2 trên 10 cách đây 40 năm trước.

Vào năm 1990, chỉ có 3% trẻ trong độ tuổi đi học ở Trung Quốc được đến trường. Con số này vào năm 2015 là hơn 40% đối với nam giới và 45% với nữ giới. Phụ nữ Trung Quốc ngày nay được trang bị nhiều kiến thức hơn, trở nên độc lập, năng động hơn tại các thành phố, quyết tâm theo đuổi mục tiêu của đời mình, thay vì phụ thuộc nam giới như những thế hệ trước.

Nếu như năm 1990, mọi phụ nữ Trung Quốc ở tuổi 30 đều kết hôn thì năm 2015, cứ 10 phụ nữ 30 tuổi thì một người vẫn sống độc thân. Tại Thượng Hải, tỷ lệ này là 1 trên 5.

Trung Quoc dang thieu tre em
 

Tỷ lệ sinh sản thấp nhìn chung mang lại nhiều lợi ích. Có ít trẻ em hơn có nghĩa là trẻ được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Dân số có thể già hơn nhưng lại giàu hơn, mang lại nhiều cơ hội kinh tế mới như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chi tiêu cho giải trí, vv...

Sự sụt giảm lực lượng lao động và tăng chi phí lao động thúc đẩy cải thiện công nghệ, từ tự động hóa cho đến trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, tỷ lệ sinh sản giảm kết hợp với tuổi thọ tăng lên đã tạo nên gánh nặng kinh tế lớn cho số người trong độ tuổi lao động. Kể từ năm 2010, số người trong độ tuổi 20 – 24 đã giảm khoảng 30% (từ hơn 127 triệu xuống còn 90 triệu), trong khi số người trên 60 tuổi lại tăng gần 39% (từ 180 triệu lên gần 250 triệu).

Ước tính số người từ 20 – 24 tuổi sẽ giảm thêm 20% nữa vào năm 2030, còn khoảng 73 triệu người, trong khi người trên 60 tuổi tăng thêm 56%, khoảng 390 triệu, chiếm khoảng ¼ dân số nước này.

Sự thay đổi cơ cấu dân số là một thách thức không nhỏ đối với lãnh đạo Trung Quốc. Làm sao để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khi dân số tiếp tục già đi và khan hiếm lực lượng lao động thay thế. Trong khi đó, chính phủ còn phải tăng trợ cấp xã hội, dự kiến sẽ ngốn khoảng 23% ngân sách vào năm 2050, cho tương xứng với quốc gia có thu nhập cao.

Nếu không tăng thuế thu nhập, Trung Quốc khó có thể trang trải cho các khoản chi khác, như chính sách “một vành đai, một con đường” chẳng hạn.

Hai thế hệ người Trung Quốc hiện nay, với rất nhiều người ra đời trong chính sách con một, đã chứng kiến sự phồn thịnh của quốc gia. Và nếu cha mẹ, ông bà họ tin tưởng rằng chính phủ có thể cung cấp chỗ ăn chỗ ở, thì họ giờ đây cũng mong được cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và chính sách hưu trí tốt khi về già.

Minh Nhiên (theo The NewYork Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI