Trung Quốc đang cố trì hoãn cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19?

09/01/2021 - 06:01

PNO - Phái đoàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không thể nhập cảnh vào Trung Quốc để điều tra về nguồn gốc của COVID-19. Trung Quốc trấn an rằng đó là sự hiểu lầm, đồng thời cho biết vẫn đang đàm phán về việc tiếp cận với WHO - một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Một đứa trẻ được lấy mẫu xét nghiệm ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào tháng 12/2020 - Ảnh: AFP
Một đứa trẻ được lấy mẫu xét nghiệm ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc vào tháng 12/2020 - Ảnh: AFP

Sự hiểu lầm hay vấn đề khác?

Hôm 5/1, người đứng đầu WHO - tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - nói, các thành viên của nhóm khoa học quốc tế đã bắt đầu rời quê hương để đến Trung Quốc như một phần của thỏa thuận giữa WHO và nước này, nhưng ông phát hiện ra Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết. “Tôi rất thất vọng với tin tức này, vì hai thành viên đã bắt đầu hành trình và những người khác không thể đi vào phút cuối dù đã liên lạc với các quan chức cấp cao của Trung Quốc” - ông nói trong một cuộc họp báo ở Geneva.

Một ngày sau, Trung Quốc khẳng định đã có “hiểu lầm” giữa hai bên về ngày bắt đầu nghiên cứu và nói thêm rằng, các cuộc thảo luận đang diễn ra. Dù vậy, sự cản trở của Trung Quốc đối với sứ mệnh mà WHO mô tả là ưu tiên đã dấy lên những nghi ngờ. Hiện quốc gia này đang nỗ lực định hình lại câu chuyện về nguồn gốc của dịch bệnh bất chấp sự đồng thuận khoa học toàn cầu rằng, COVID-19 lây lan từ động vật sang người ở Trung Quốc đầu tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng, vấn đề “không chỉ là về thị thực” cho đội ngũ chuyên gia. Khi được hỏi về các báo cáo rằng hai bên đã nhất trí về ngày đến, bà Hoa khẳng định “có sự hiểu lầm” và cho biết: “Vấn đề nguồn gốc rất phức tạp. Để đảm bảo công việc của nhóm chuyên gia toàn cầu tại Trung Quốc thành công, chúng tôi cần tiến hành các thủ tục cần thiết và các kế hoạch cụ thể có liên quan. Hiện cả hai bên vẫn đang đàm phán về việc này”.

Nguồn gốc chưa rõ ràng

SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019 và từ đó đã lan rộng khắp thế giới. Nhiều người vẫn chưa biết về nguồn gốc của nó và Trung Quốc tỏ ra nhạy cảm với bất kỳ đề xuất nào về việc đáng lẽ họ có thể làm nhiều hơn trong giai đoạn đầu của đại dịch để ngăn chặn sự lan rộng.

Vấn đề nguồn gốc của vi-rút và những nỗ lực nghiên cứu chúng bị chính trị hóa rất nhiều, đặc biệt từ chính quyền Tổng thống Trump và các đồng minh phương Tây, những người đã đặt câu hỏi về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc khi đại dịch bùng phát, cũng như làn sóng thúc đẩy các lý thuyết chưa có căn cứ về cách vi-rút trốn thoát khỏi một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc cũng tìm cách làm mờ bức tranh về thời gian và địa điểm bắt đầu đại dịch, như cách nói của nhà ngoại giao cấp cao Vương Nghị: “Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy nó xuất hiện ở nhiều khu vực”. Michael Ryan - Giám đốc các trường hợp khẩn cấp của WHO - trước đây đã gọi điều này là “có sự suy tính cao”.

Trung Quốc cũng bác bỏ những lời chỉ trích về việc xử lý các ca bệnh sớm, mặc dù chuyến đi của WHO được coi là một cách quan trọng để cắt đứt những nghi hoặc và tìm kiếm câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc của nó. Ban đầu, các nhà khoa học tin rằng, vi-rút SARS-CoV-2 đã lây sang người tại một khu chợ bán thịt động vật ở Vũ Hán. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, ngôi chợ này có thể không phải là nguồn gốc của sự bùng phát, mà là nơi nó được khuếch tán. Đa số tin vi-rút ban đầu đến từ loài dơi, nhưng động vật trung gian truyền bệnh giữa dơi và người vẫn chưa được xác định.

Nhóm nghiên cứu của WHO dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào đầu năm 2021 để thực hiện một nhiệm vụ kéo dài sáu tuần, bao gồm hai tuần cách ly để kiểm dịch. Meg Davis - một thành viên nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Y tế toàn cầu của Viện Sau đại học ở Geneva - nhận xét: “Thật khó tin là WHO lại để mọi người lên máy bay và đến Trung Quốc nếu họ không nhận được lời mời chính thức. Vì vậy, tất cả sự trì hoãn xảy ra đều rất đáng lo ngại”. 

 Linh La (theo Guardian, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI