Trung Quốc đang cắt nguồn nước chảy vào sông Mê Kông?

08/05/2020 - 07:55

PNO - Trong quá trình nghiên cứu, một trung tâm của Mỹ thường nghe các bên liên quan của Trung Quốc lặp đi lặp lại một quan điểm đáng lo ngại: không chia sẻ dù chỉ một giọt nước của Trung Quốc nếu Trung Quốc chưa sử dụng trước hoặc không khiến những quốc gia ở hạ nguồn phải trả giá.

11 đập Trung Quốc chặn dòng Mê Kông 

Khi đi tìm nguyên nhân hạn hán nghiêm trọng cuối năm 2019 tại các nước hạ nguồn như Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Stimson dựa trên dữ liệu vệ tinh từ năm 1992-2019 và dữ liệu đo chiều cao mực nước sông hằng ngày từ trạm đo Chiang Saen (Thái Lan) của Công ty Eyes on Earth (Mỹ). Kết quả cho thấy, các con đập của Trung Quốc trên sông Mê Kông đã giữ lại lượng nước nhiều hơn gấp vài lần so với lượng được xả ra trong 30 năm qua. 

Đập Mạn Loan (Manwan) của Trung Quốc. Ước tính các đập thủy điện đã giữ lại lượng lớn phù sa và trầm tích của sông trước khi nó chảy xuống các quốc gia ở hạ lưu - Ảnh: Tổ chức Sông ngòi Quốc tế
Đập Mạn Loan (Manwan) của Trung Quốc. Ước tính các đập thủy điện đã giữ lại lượng lớn phù sa và trầm tích của sông trước khi nó chảy xuống các quốc gia ở hạ lưu - Ảnh: Tổ chức Sông ngòi Quốc tế

Nếu các con đập của Trung Quốc không làm thay đổi dòng chảy, mực nước sông Mê Kông xuống và lên một cách tự nhiên khi dòng sông chuyển từ mùa mưa sang mùa khô hằng năm. Nhưng hàng chục năm nay, con sông này đã mất dòng chảy tự nhiên của nó.

Những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu xây đập đầu tiên ở thượng nguồn sông Mê Kông. Hiện nay, đã có tổng cộng 11 con đập khổng lồ của Trung Quốc nằm rải rác trên thượng nguồn sông Mê Kông, tích trữ một lượng nước nhiều tương đương với vịnh Chesapeake (một vịnh thuộc lãnh thổ Mỹ bên bờ Đại Tây Dương, có lưu vực rộng 166.534km²). Tần suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạn hán ở hạ lưu đã tăng trong hai thập niên qua; Thái Lan, Campuchia và Việt Nam hiện đang phải chịu đựng đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử.

Những suy đoán rằng Trung Quốc có thể sử dụng đập của mình để hạn chế nước chảy xuống hạ lưu sông Mê Kông, ngắt nguồn nước một cách nhanh gọn đối với các quốc gia phụ thuộc vào dòng Mê Kông để đảm bảo sự ổn định và an ninh kinh tế ngày một rõ rệt hơn.

Nghiên cứu của Eyes on Earth chỉ ra thời điểm Trung Quốc hạn chế nước xả xuống các nước láng giềng ở hạ lưu, việc hạn chế lượng nước này kéo dài trong bao lâu và lượng nước khổng lồ mà Trung Quốc đã hạn chế trong ba chục năm qua. Theo báo cáo của Eyes on Earth, từ tháng 4-11/2019, khu vực thượng nguồn sông Mê Kông tại Trung Quốc đã nhận được lượng mưa và tuyết lớn bất thường, nhưng các đập của Trung Quốc đã chặn hoặc hạn chế xả nhiều nước hơn bao giờ hết, trong khi các nước ở hạ nguồn đang phải chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng chưa từng thấy.

Lượng mưa và lượng tuyết tan ở Trung Quốc đủ để giữ mực nước ở phần lớn hạ lưu sông Mê Kông trên mức trung bình từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020 nếu đập Trung Quốc không hạn chế lượng nước đó. Stimson khẳng định, tình trạng khô hạn của sông Mê Kông là do đập của Trung Quốc gây ra.

Trung Quốc đang nói dối?

Các con đập của Trung Quốc ngăn chặn và hạn chế gần như toàn bộ lượng nước ở lưu vực thượng nguồn, trong khi các nước ở hạ nguồn phải chịu đựng và tiếp tục chịu đựng. Mức độ hạn chế dòng chảy này chưa từng có tiền lệ. Lượng mưa và tuyết của Trung Quốc đáng ra đã có thể giúp giảm tình trạng hạn hán và duy trì mực nước sông trên mức trung bình, đặc biệt là dọc biên giới Thái Lan, Lào và trong những tháng đầu hạn hán.

Mực nước sông Mekong hiện thường ở mức thấp do các đập thủy điện của Trung Quốc - Ảnh: AFP)
Mực nước sông Mekong hiện thường ở mức thấp do các đập thủy điện của Trung Quốc - Ảnh: AFP

Trong khi đó, trên thực tế, dòng sông gần như khô cạn. Tuy nhiên, trong một cuộc họp đầu năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng, thiếu mưa là nguyên nhân chính của hạn hán và cho biết, Trung Quốc cũng đã phải chịu tình trạng này. Những phát hiện của Eyes on Earth đã chứng minh rằng, tuyên bố đó là sai.

Hiện nay, lưu vực sông Mê Kông đang vào mùa khô hằng năm, việc thiếu nước trên hệ thống sông Mê Kông đã khiến nhiều địa phương phải tuyên bố tình trạng hạn hán khẩn cấp. Hạn hán cũng gây ra sự sụt giảm lớn trong sản xuất lúa gạo ở Thái Lan và Việt Nam - hai nhà cung cấp gạo chính cho thị trường khu vực và toàn cầu. Tình trạng khô hạn diễn ra cùng lúc với dịch COVID-19 gây ra những hậu quả kinh tế càng nghiêm trọng hơn cho khu vực.

Cho đến nay, tình trạng hạn hán này phần lớn bị đổ thừa cho hiện tượng El Nino gây nên lượng mưa thấp bất thường cho các quốc gia dọc sông Mê Kông trong hầu hết năm 2019, bao gồm cả mùa mưa.

Trong mùa mưa 2019 (tháng 6-10), mực nước sông Mê Kông tại các quốc gia ở hạ lưu xuống mức thấp kỷ lục. Tháng 7/2019, Thái Lan phải huy động quân đội để ứng phó với tình trạng hạn hán khẩn cấp ở các tỉnh phía đông bắc - nơi các bãi đá và đảo thường được bao phủ bởi các đợt nước sông trong mùa mưa nhưng nay đã bị trơ trọi ở mức độ chưa từng thấy.

Ở Campuchia, dọc theo biển hồ Tonle Sap - ngư trường nội địa lớn nhất thế giới - lượng cá đánh bắt đã giảm tới 80-90% so với thông thường. Còn ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, đã hoàn toàn không có nước ngọt.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Stimson, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc coi nước là tài nguyên có chủ quyền chứ không phải là tài nguyên chung. Đây là một cách tiếp cận có ảnh hưởng đáng kể đến các quốc gia ở hạ nguồn. Trung tâm này cũng đặt nghi vấn, tại sao các nhà quản lý đập Trung Quốc giữ lại quá nhiều nước trong thời điểm các quốc gia hạ nguồn ở Đông Nam Á đang rất cần nước? 

Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn do thiếu nước ngọt
Đồng bằng sông Cửu Long khô hạn do thiếu nước ngọt

Nếu sự lựa chọn hạn chế lượng nước chưa từng có tiền lệ này của Trung Quốc là thông tin công khai mà của các bên liên quan ở hạ nguồn có thể tiếp cận thì quyết định đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Trung Quốc về mặt chính trị. Nhưng Trung Quốc coi dữ liệu về lưu lượng nước và hoạt động thủy điện là bí mật quốc gia. Sự thiếu minh bạch này cho phép Trung Quốc đưa ra luận điệu về việc phải chịu chung trình trạng hạn hán và đưa ra cơ sở chung để Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia hạ nguồn thông qua Cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương.

Đối với chính quyền Bắc Kinh, nước được coi là một loại hàng hóa có chủ quyền để tiêu dùng hơn là một nguồn tài nguyên chung được cung cấp một cách công bằng cho các bên liên quan ở hạ nguồn. Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Stimson thường nghe các bên liên quan của Trung Quốc lặp đi lặp lại một quan điểm đáng lo ngại: không chia sẻ dù chỉ một giọt nước của Trung Quốc nếu Trung Quốc chưa sử dụng trước hoặc không khiến những quốc gia ở hạ nguồn phải trả giá.

Đáng chú ý, Trung Quốc chưa ký kết các điều ước quốc tế cho phần lớn bốn mươi con sông xuyên biên giới của mình. Ngoài ra, các cơ quan liên quan của Trung Quốc thường đề cập rằng, phần lưu vực của Trung Quốc đóng góp một lượng nước không đáng kể cho hệ thống sông, nhưng thực tế, trong mùa khô và trong thời gian hạn hán, lượng nước ở thượng nguồn Trung Quốc đóng góp vào tổng lưu lượng sông hơn 40%. Nước từ sông Mê Kông có thể được chuyển vào các lưu vực khác dẫn ra bờ biển phía đông Trung Quốc; những hành động như vậy sẽ loại bỏ vĩnh viễn nguồn nước này khỏi sông Mê Kông.

Nhưng hiện tại, không có bằng chứng nào về hoạt động này. Các dự án chuyển nước liên lưu vực rất khó hoặc không thể giữ bí mật do quy mô hoạt động và số lượng các bên liên quan. Các dự án chuyển nước từ lưu vực sông Mê Kông đã được đề xuất nhưng hiện khó khả thi do khó khăn kỹ thuật và mức độ rủi ro cao. Nhưng các dự án chuyển nước đang diễn ra ở các lưu vực lớn khác ở Trung Quốc. Ý tưởng lấy nước từ sông Mê Kông và các con sông xuyên biên giới khác để sử dụng trong nước có khả năng là một lựa chọn chính sách hấp dẫn. Vì Trung Quốc là một trong những quốc gia có mức phân bổ nước theo đầu người thấp nhất thế giới nên chuyển nước chỉ là vấn đề thời gian. 

Các sông băng ở dãy Himalaya đang tan chảy với tốc độ nhanh hơn hầu hết những nơi đóng băng khác trên trái đất. Có thể các hồ chứa đập thủy điện khổng lồ trên sông Mê Kông của Trung Quốc được xây dựng để hứng dòng chảy này, tiết kiệm lượng mưa và tuyết tan trong một thời gian để sử dụng khi cần cho sản xuất điện hoặc thậm chí chuyển hướng vào hệ thống sông Dương Tử.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Stimson, những dữ liệu nghiên cứu của Eyes on Earth cho thấy mức độ kiểm soát cao của Trung Quốc đối với dòng chảy tới các quốc gia ở hạ lưu. Ủy hội Sông Mê Kông có thể lấy đây làm căn cứ để làm việc với Trung Quốc. Các bên liên quan ở các quốc gia thuộc hạ lưu sông Mê Kông cần phải yêu cầu Trung Quốc thay đổi cách vận hành các đập ở thượng nguồn và đàm phán để phân phối tài nguyên nước công bằng hơn. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI