Trung Quốc đã kiểm soát được làn sóng COVID-19 thứ hai?

02/07/2020 - 16:57

PNO - Tạp chí Time của Mỹ nhận định, Trung Quốc dường như đã kiểm soát được làn sóng COVID-19 thứ hai sau đợt bùng phát bệnh tại một khu chợ nông sản ở Bắc Kinh hồi tháng trước gây ra 328 ca nhiễm mới buộc chính quyền phải phong tỏa một phần thành phố.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại một điểm xét nghiệm tạm thời ở Bắc Kinh hôm 30/6 - Ảnh: Getty Images
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại một điểm xét nghiệm dã chiến ở Bắc Kinh hôm 30/6 - Ảnh: Getty Images

Ngày 1/7, Bắc Kinh chỉ báo cáo 1 ca nhiễm mới cùng với 2 ca khác không có triệu chứng, sau chiến dịch xét nghiệm ráo riết quanh khu chợ thực phẩm đầu mối Tân Phát Địa ở quận Phong Đài phía tây nam thủ đô, nơi phát hiện một ổ dịch mới vào ngày 11/6. Thời điểm đó Bắc Kinh mới trải qua 56 ngày không có thêm ca nhiễm nội địa mới cũng như không có thêm trường hợp tử vong nào.

Đài truyền hình quốc gia CCTV dẫn lời ông Zhang Wenhong - Trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Hoa Sơn Thượng Hải - nói rằng “Bắc Kinh cho thấy một ví dụ rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ tránh được làn sóng COVID-19 mới, dù nội địa hay ngoại nhập, thông qua các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả”.

Theo chính quyền thành phố, hơn 7 triệu cư dân của thủ đô 22 triệu người đã được xét nghiệm COVID-19 sau khi xuất hiện ổ dịch, các trường học, quán bar và tiệm làm đẹp bị đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh (CDC Bắc Kinh) cho biết thành phố tiến hành truy tìm dấu vết lây nhiễm được phát hiện tại 47 đường phố trên 11 quận, hơn một chục tổ hợp dân cư được phong tỏa chặt chẽ.

Sợ rằng đợt bùng phát mới này là một loại virus dễ lây lan hơn so với loại virus xuất hiện ở trung tâm thành phố Vũ Hán tháng 12 năm ngoái, các quy định phòng chống mới nêu rõ, bất kỳ ai đã tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh phải cách ly trong vòng 28 ngày.

Tạp chí Time thừa nhận tính tích cực và hiệu quả của Trung Quốc trong các biện pháp dập dịch, đặc biệt là so với cách thức nửa vời của người Mỹ. Tuy nhiên, cách làm “cực đoan” của Trung Quốc cũng có những tác động tiêu cực. Ví dụ, các quan chức địa phương ra lệnh các khách sạn, nhà hàng và siêu thị vứt bỏ nguồn dự trữ hải sản hiện đang được trữ đông, với lập luận cá hồi nhập từ châu Âu có thể là nguồn mang virus sau khi dấu vết SARS-CoV-2 được phát hiện trên phi lê cá hồi, mặc dù các nhà khoa học khẳng định virus không thể sống sót trên cá hồi sống hoặc đông lạnh.

Quế Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI