Thế vận hội chỉ còn 2 ngày nữa là bế mạc. Đến lúc này, dường như Trung Quốc đã sẵn sàng cho việc lần đầu tiên kể từ năm 2008 vượt qua Hoa Kỳ đứng đầu bảng tổng sắp huy chương vàng tại Olympic Tokyo 2020. Không những thế, nước này còn đang triển khai những bước tiến lớn hơn với mục tiêu đưa thể thao trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thể thao không còn đơn thuần là trò chơi sức khỏe
Trung Quốc được xem như có một kỳ thế vận hội khá thành công ở Tokyo, nơi họ đã giành được 34 huy chương vàng tính đến sáng nay 6/8, so với 30 của Mỹ. Đây là điều tất yếu phản ánh một phần nỗ lực tổng thể tăng chi tiêu ngân sách cho thể thao trong nhiều năm trước khi Thế vận hội Tokyo diễn ra và hướng tới Thế vận hội mùa đông năm 2022 sẽ diễn ra ở Bắc Kinh.
|
Kế hoạch mới nhất của chính phủ Trung Quốc sẽ biến thể thao thành động lực tăng trưởng mới vào năm 2025 - Ảnh: Reuters |
Theo Tổng cục Thể thao Trung Quốc, chính phủ có một kế hoạch đầy tham vọng để đưa thể thao trở thành ngành công nghiệp trị giá 5 ngàn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 773 tỷ USD, vào năm 2025. Con số này tăng 70% so với năm 2019. Điều đó có thể biến thể thao trở thành một động lực tiềm năng của nền kinh tế, nơi tạo ra việc làm và mở ra lĩnh vực hấp dẫn mới để thu hút đầu tư.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất giày thể thao cũng như các doanh nghiệp kinh doanh liên quan thể thao khác của Trung Quốc đã tăng vọt trong tuần qua sau khi hội đồng nhà nước và chính phủ thông qua kế hoạch hôm 3/8 với các mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn, hơn 1/3 dân số thường xuyên tham gia tập luyện các môn thể thao, bảo đảm mọi quận huyện đều trang bị dụng cụ, máy tập thể dục cho người dân…
Cũng theo kế hoạch, hơn 3 triệu người sẽ được tuyển dụng làm huấn luyện viên thể thao nhằm hướng dẫn các bài tập thể dục nơi công cộng. Theo tính toán của Bloomberg, con số đó đã nhiều hơn số người đang làm việc trong lĩnh vực khách sạn và dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc vào năm 2019.
Nếu các mục tiêu của Bắc Kinh thành hiện thực, thể thao sẽ chiếm 3,3% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2025, tăng 0,8% so với năm 2015, theo ước tính GDP từ Quỹ Tiền tệ quốc tế.
Các nhà phân tích tại China International Capital Corp còn cho rằng, dù vẫn đang còn ở giai đoạn đầu, nhưng ngành công nghiệp thể thao đã phát triển thành một lĩnh vực “hỗ trợ quan trọng” cho nền kinh tế Trung Quốc. Các chuyên gia này kỳ vọng thể thao sẽ chuyển đổi thành một mô hình phát triển đa dạng, lành mạnh và bền vững.
Chính phủ đã tăng chi ngân sách đáng kể cho thể thao trước Thế vận hội Tokyo, với gần 10 tỷ nhân dân tệ từ năm 2019, theo báo cáo ngân sách thường niên của Tổng cục Thể thao nước này.
Tổ chức giám sát đào tạo các môn thể thao Olympic Trung Quốc đã giảm chi phí cho các hoạt động hành chính để tăng cường tài trợ cho các cuộc thi đấu thể thao lên 26%. Chi tiêu cho việc tham gia các giải đấu ở nước ngoài tăng 53% trong năm.
|
Quy mô của ngành thể thao Trung Quốc tăng trong ba năm liên tiếp, đạt 2,95 ngàn tỷ nhân dân tệ vào năm 2019, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc - Ảnh: VCG |
Các khoản chi ngân sách đã được “đền đáp” xứng đáng ở Olympic Tokyo năm nay. Các vận động viên Trung Quốc không chỉ xuất sắc trong các môn sở trường truyền thống - như lặn, cử tạ và thể dục dụng cụ - mà họ còn cho thấy sự tiến bộ vượt trội ở những bộ môn mới như chạy 100m nam, nhảy xa ba bước và bơi 200m hỗn hợp nam.
Theo thống kê của Ủy ban Olympic quốc tế, các môn thể thao chiếm hơn một nửa số huy chương vàng của Trung Quốc tại các giải đấu từ năm 2000 đến 2021 theo thứ tự từ nhiều đến ít gồm lặn, cử tạ, thể dục dụng cụ, bóng bàn, bắn súng, cầu lông, bơi lội…
Một thế hệ công dân cường tráng
Như trên đã nói, ngoài mục tiêu hơn 1/3 dân số tham gia thể thao thường xuyên, kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc sẽ mở thêm 2.000 địa điểm tập thể dục, gồm công viên thể thao, các sân vận động vào năm 2025.
Trung bình cứ mỗi 1.000 cư dân sẽ có hơn 2 hướng dẫn viên thể thao. Cả nước phải đạt “mức độ bao phủ” các cơ sở thể dục thể thao tại các quận, thị trấn, làng mạc và các cộng đồng sao cho người dân không phải đi bộ quá 15 phút từ nơi ở để đến các địa điểm tập thể dục.
Qiu Zhiwei - cựu Phó chủ tịch giải bóng rổ NBA Trung Quốc - cho biết, tiềm năng lớn nhất để thúc đẩy sự phát triển của ngành thể thao chính là công chúng. Theo Qiu, những cư dân tập thể dục hàng ngày sẽ có xu hướng chơi thể thao nhiều hơn.
Ngoài ra, những người yêu thích thể thao có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, mua dụng cụ, tìm kiếm huấn luyện viên chuyên nghiệp và tham gia các cuộc thi. Qiu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các hoạt động thể thao trong các nhóm chính là thanh thiếu niên.
|
Đội tuyển nữ bóng bàn Trung Quốc đánh bại chủ nhà Nhật Bản với tỷ số 3-0 để giành chiến thắng trong trận chung kết nội dung đồng đội, mang về huy chương vàng thứ 34 cho đoàn thể thao Trung Quốc tại Thế vận hội Tokyo 2020 - Ảnh: Global Times |
Kế hoạch yêu cầu học sinh phải có hai giờ chơi thể thao mỗi ngày. Trong đó phải có một giờ ngoài khuôn viên trường. Tất cả các sự kiện thể thao lớn nhỏ dành cho thanh thiếu niên đều sẽ được tích hợp vào một hệ thống trên toàn quốc nhằm cải thiện thành tích thể thao ở các bậc học và khu vực.
Ngoài ra, kế hoạch yêu cầu cơ quan chức năng các cấp điều chỉnh tiêu chuẩn cơ sở thể dục nhằm phù hợp, tiện lợi hơn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ cận thị, béo phì và mắc các vấn đề sức khỏe khác.
Theo Zhang Zhiwei - chuyên gia kinh tế của Pinpoint Asset Management, kế hoạch phát triển thể thao trên sẽ giúp lấp đầy khoảng trống tạo ra từ tình trạng dạy thêm học thêm vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp chấn chỉnh, siết chặt của Trung Quốc. Kế hoạch còn hứa hẹn sẽ giải quyết tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng trong giới trẻ.
Nam Anh (theo Nikkei Asia, Bloomberg)