Trung Quốc ‘có phần’ trong quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên

15/06/2018 - 08:22

PNO - Ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore là tiếp tục đối thoại và thiết lập một lộ trình rõ ràng, để giải giáp vũ khí trên bán đảo Triều Tiên.

Trong tiến trình này, vai trò của Trung Quốc, cường quốc láng giềng và là đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng trong khu vực, nổi lên ngày càng rõ nét.

Trung Quoc ‘co phan’ trong qua trinh phi hat nhan hoa Trieu Tien
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - Ảnh: EPA-EFE

Trong khi Triều Tiên và Hoa Kỳ đồng ý về nguyên tắc việc “thủ tiêu hoàn toàn, có thể kiểm tra và không thể đảo ngược” (CVID ) chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong thông cáo chung của họ không chỉ ra chính xác cách thức và thời gian thực hiện tiến trình này.

Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng ưu tiên của hai bên trong hội nghị thượng đỉnh không tương đồng: Washington quan tâm hàng đầu đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế đất nước.

Giáo sư Su Hao của Đại học Ngoại giao Trung Quốc ví von rằng các bánh xe đã chuyển động theo hướng phi hạt nhân hóa, nhưng "không ai biết biết cụ thể nó chạy như thế nào”.

Ông nói: “Trong tương lai, việc thiết lập một chế độ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ căn cứ trên điều kiện tiên quyết là phi hạt nhân hóa”.

Một chuyên gia khác về Triều Tiên, giáo sư Wang Sheng của Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, nhấn mạnh rằng điều cốt tử với Mỹ và Triều Tiên bây giờ là duy trì đối thoại. “Hai bên cần phải có những cử chỉ ngoại giao liên tục, ở các cấp độ khác nhau”, ông nói.

Ông Wang nhắc đến vai trò của Trung Quốc trong quá trình đàm phán tiếp theo giữa Mỹ và Triều Tiên.

Sung Chull Kim, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống nhất tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết Bình Nhưỡng sẽ hưởng lợi nếu bất cứ nhượng bộ nào được thực hiện trong quá trình đàm phán tiếp theo.

Ông nói, "có khả năng Triều Tiên sẽ đòi bồi thường ở từng giai đoạn phi hạt nhân hóa, cụ thể là yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hoặc bảo đảm an ninh".

Ông phân tích, với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh, Bình Nhưỡng đã tuyên bố phi hạt nhân hóa “theo giai đoạn và đồng bộ”. "Ví dụ, việc thành lập một văn phòng đại diện của Mỹ tại Bình Nhưỡng có thể là bước tiếp theo trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân", ông Sung nói.

Ở giai đoạn này bắt đầu nổi lên vai trò của các nước khác, đặc biệt là liên quan đến hỗ trợ kinh tế, ông Sung phân tích.

Tổng thống Trump muốn Hàn Quốc và Nhật Bản tài trợ "thật hào phóng" cho Triều Tiên trong quá trình phi hạt nhân hóa sắp tới, khi nền kinh tế đất nước Đông Á này khốn đốn sau nhiều năm bị cô lập và trừng phạt nghiêm khắc. Ông Trump đã tuyên bố như vậy tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Singapore.

Trước đó, Trung Quốc đã được xác định là một thành viên quan trọng của quá trình phi hạt nhân hóa, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đồng ý trong Tuyên bố Panmunjom (tháng 4/2018) để theo đuổi một thỏa thuận hòa bình có thể chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Hoàng Diệu (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI