PNO - Những ngày này, nếu như thế giới đang nóng sốt vì Trung Quốc vẫn đang "lằng nhằng" chưa chịu thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài về vụ Philippines khởi kiện thì nước này đã lại gây thêm căng thẳng với Indonesia trên Biển Đông.
Những năm qua, Indonesia đã tìm cách “bỏ qua” những bất đồng giữa các nước với Trung Quốc liên quan tới chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á giờ đây đang rơi vào thế phải chống lại các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tới tận quần đảo Natuna, cũng như tìm cách xua đuổi các tàu cá đánh bắt trái phép ở lãnh hải nước này bằng cách triển khai tàu Hải quân tới tuần tra và máy bay chiến đấu để sẵn sàng cho những tình huống xấu.
Các tàu cá của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi chính phủ nước này và được hộ tống bởi các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, xâm phạm ngày càng nhiều các khu vực lãnh hải của Indonesia. Đây là thông tin không mấy tích cực với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nghề cá và xuất khẩu thủy sản như Indonesia, và đây cũng là lý do tại sao Indonesia lựa chọn các tàu cỡ lớn để truy đuổi và bắt giữ những tàu cá đánh bắt trái phép. Điều này cho thấy Indonesia sẽ không chấp nhận bất cứ hoạt động đánh bắt cá trái phép nào trong lãnh hải của nước này.
Trung Quốc đang tìm cách khiêu khích quan điểm rõ ràng của Indonesia về bảo vệ chủ quyền biển đảo
Về phần của mình, Trung Quốc đang tìm cách khiêu khích quan điểm rõ ràng của Indonesia về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Lần đầu tiên, Trung Quốc thừa nhận rằng hai nước có tuyên bố chồng lấn về chủ quyền trong vùng biển xung quanh khu vực quần đảo Natuna, nằm ở phía Nam Biển Đông. Theo giới quan sát, bất đồng giữa Trung Quốc và Indonesia chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đánh bắt cá. Trung Quốc bao biện rằng, nước này có “chủ quyền lịch sử” ở những khu vực biển gần Indonesia để tiến hành khai thác khí đốt hay đánh bắt cá, dù tuyên bố này không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Indonesia khẳng định vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, vốn đã được Công ước về luật biển của Liên hợp quốc quy định, là vùng đặc quyền bảo vệ kinh tế của nước này, đặc biệt là đối với các hoạt động đánh bắt cá. Tuy nhiên, sản lượng cá giảm ở những khu vực khác tại Thái Bình Dương đang đẩy ngư dân Trung Quốc, vốn được chính phủ động viên và hỗ trợ tài chính, tìm cách xâm nhập trái phép lãnh hải của các nước khác. Theo thống kê, Trung Quốc và Indonesia là những quốc gia đánh bắt cá lớn nhiều thế giới.
Gần đây, Indonesia đã thể hiện nhiều động thái cứng rắn với trung Quốc, trong đó có cả động thái quân sự
Trong những tháng qua, Indonesia đã thực hiện các biện pháp được cho là thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc. Hồi cuối tháng Năm, nước này đã công bố Sách Trắng quốc phòng lần đầu tiên trong gần thập niên qua, trong đó vạch ra những kế hoạch cho quốc gia "vạn đảo" này để trở thành một "cường quốc hàng hải toàn cầu".
Indonesia cũng kêu gọi xây dựng các cơ sở cho Không quân và Hải quân ở quần đảo Natuna. Ngoài ra, Indonesia cũng bắt đầu điều tàu chiến của Hải quân tới để đối phó với tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, vốn được điều đi để bảo vệ cho các tàu của ngư dân nước này. Để "đánh động" tinh thần của dư luận trong nước, Tổng thống Widodo đã tổ chức một cuộc họp nội các vào cuối tháng 6 trên một trong những tàu chiến đã tham gia vào quá trình truy đuổi tàu của ngư dân Trung Quốc.
Indonesia cũng triển khai lực lượng hải quân để kiểm soát các tàu của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh quần đảo Natuna. Ông Don Emmerson, Giám đốc chương trình Đông Á của Đại học Stanford, nhận định: “Đang có sự leo thang từ phía Indonesia trong cách điều các tàu ra khu vực có tranh chấp. Giờ đây, Hải quân Indonesia đang can dự vào vấn đề xua đuổi các tàu cá Trung Quốc. Rõ ràng mục đích là để bảo đảm an ninh nước này, nhưng dấu hiệu khác cho thấy có sự thay đổi bản lề trong quan điểm của Jakarta”.
Tiêm kích F16 được Indonesia điều ra quần đảo Natuna để thực hiện công cuộc vảo vệ chủ quyền trước Trung Quốc
Theo AFP , Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu hôm nay cho biết việc tăng cường phòng thủ xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia bao gồm triển khai các tàu chiến, một tiêm kích F-16, các tên lửa đất đối không, một radar và các máy bay không người lái, cũng như xây dựng các cảng mới và cải thiện một đường băng.
Việc tăng cường lực lượng Quân sự này đã được triển khai trong những tháng gần đây và dự kiến hoàn thành trong "dưới một năm", ông nói.
Ngoài các thiết bị quân sự, Indonesia sẽ điều lực lượng không quân đặc biệt và lực lượng đặc nhiệm hải quân, cùng một tiểu đoàn bộ binh đến quần đảo Natuna, ngay khi các doanh trại và nhà ở được xây xong, ông Ryacudu nói. Bên cạnh đó, Indonesia cũng có kế hoạch điều hàng trăm ngư dân đến quần đảo Natuna.
Ông Ryacudu nhấn mạnh động thái của Indonesia không phải là "đổ thêm dầu" vào việc quân sự hóa ngày càng tăng trên Biển Đông, nói rằng họ có quyền bảo vệ biên giới của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia thông báo về kế hoạch tăng cường quốc phòng một ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tòa tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với tài nguyên bên trong yêu sách "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra.
Sau khi tòa ra phán quyết, Bộ Ngoại giao Indonesia đã ra một tuyên bố thận trọng, kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế và không làm bất cứ điều gì có thể làm tăng căng thẳng".
Thời gian qua, do những hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, các quốc gia trong khu vực đã tìm kiếm thêm những phương án để nâng cao khả năng tự vệ. Hồi tháng 1 vừa qua, Philippines đã cho phép Hải quân Mỹ quay trở lại các căn cứ của nước này.
Phía Indonesia đang có xu hướng xích lại gần Mỹ để tìm kiếm một đồng minh mạnh trước bối cảnh Trung Quốc đang có nhiều động thái gây hấn
Giờ đây, Indonesia dường như có thể đang lựa chọn phương án xích lại các quốc gia có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, trong khi tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ hơn trong quan hệ an ninh với Mỹ.
Có thể thấy, dù tòa đã ra phán quyết nhưng Trung Quốc vẫn thể hiện bản tính ngang ngược khi vụ kiện với Philippines còn chưa dứt điểm thì nước này đã "chủ động" gây căng thẳng với Indonesia. Tuy nhiên, sự thay đổi lập trường thành thái độ cứng rắng của Indonesia cũng sẽ là một cản trở rất lớn đối với Bắc Kinh, bởi theo ông Medeiros nói: “Càng nhiều quốc gia trong khu vực cho thấy họ đủ tiềm lực và thể hiện quan điểm phản đối, điều đó sẽ ảnh hưởng tới toan tính chiến thuật của Trung Quốc”.