Trung Quốc: Choáng với làn sóng trẻ “mồ côi bất đắc dĩ”

21/11/2016 - 06:43

PNO - Có đến 9,02 triệu trẻ em TQ dưới 16 tuổi sống thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ, trong số đó có đến 360.000 em hoàn toàn bị bỏ rơi, trở thành trẻ “mồ côi bất đắc dĩ”.

Tuần trước, Bộ Nội vụ Trung Quốc (TQ) công bố một khảo sát về số trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi, chỉ ra thực trạng đen tối của những đứa trẻ đang sống lay lắt khắp hang cùng ngõ hẻm ở nông thôn sau khi cha mẹ các em đổ xô lên thành phố tìm kế sinh nhai.

Tổng cộng có đến 9,02 triệu trẻ em TQ dưới 16 tuổi sống thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ, trong số đó có đến 360.000 em hoàn toàn bị bỏ rơi, trở thành trẻ “mồ côi bất đắc dĩ”.

Tình trạng trên là hết sức nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung TQ như An Huy, Hà Nam, Tứ Xuyên, Giang Tây, Quý Châu, Hồ Nam, nơi cung cấp nguồn lao động nhập cư chính ở TQ, với 44% trẻ em nông thôn sống không có cha hoặc mẹ, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ bình quân toàn quốc (35,6%). Người TQ gọi những đứa trẻ có số phận hẩm hiu này là liushou ertong (lưu thủ nhi đồng), nghĩa là những đứa trẻ bị bỏ lại, cả năm có thể không nhìn thấy cha mẹ một lần.

Trung Quoc: Choang voi lan song tre “mo coi bat dac di”
Chân dung buồn của những đứa trẻ bị bỏ lại sau khi cha mẹ vào thành phố kiếm sống - Ảnh: SHANGHAIIST, SCMP, CCTV

Báo cáo mới nhất cho thấy, phần lớn các em bị bỏ lại cho ông bà nuôi dưỡng (89,3%), có em hoàn toàn bị bỏ rơi (4%), có em sống với người thân hay bạn bè (3,3%), cũng có em sống với cha hoặc mẹ tật nguyền (3,4%), khi lao động chính trong nhà đã bỏ quê vào các thành phố kiếm việc làm để lo cho cả gia đình. Đó là “sự lựa chọn bất khả kháng” của hàng triệu người làm cha mẹ ở nông thôn.

Tháng rồi, truyền thông TQ đăng tải một câu chuyện lay động lòng người về bé trai Lưu Minh Huệ (tám tuổi) và em gái (sáu tuổi), chỉ trong một ngày ngồi tại quầy bán thực phẩm của ông bà đã gói đến 10.000 chiếc há cảo - món ăn phổ biến của người TQ, làm bằng bột mì bao nhân thịt.

Cha mẹ các em đã lên thành phố làm việc, bỏ hai anh em sống với ông bà tại một miền quê hẻo lánh ở tỉnh Giang Tây. Huệ và em gái chỉ là hai trong hàng triệu trẻ em bị bỏ lại ở nông thôn TQ.

Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào trong đạo quân “mồ côi bất đắc dĩ” đó cũng may mắn được sống với ông bà và có việc làm, dù vất vả, để kiếm miếng ăn như anh em Huệ.

Tháng 6/2015, bốn đứa trẻ của một gia đình bị bỏ lại, đứa nhỏ nhất mới năm tuổi, lớn nhất 13 tuổi, vì cùng đường đã uống thuốc trừ sâu tự tử tại thị trấn Tất Tiết, tỉnh Quý Châu.

Trước đó, tháng 11/2012, năm cậu bé bị cha mẹ bỏ lại sống lang thang trên đường phố đã chết thương tâm vì ngộ độc khí carbon monoxide (CO) khi đốt lò than sưởi ấm, chống chọi với mùa đông băng giá bên trong một thùng rác lớn. Đáng buồn là TQ đang không ngừng phát triển nhưng đã bỏ lại phía sau hàng triệu đứa trẻ mang những vết thương tâm lý, phải tự nhọc nhằn mưu sinh.

Đa số các em bị cha mẹ bỏ lại trong độ tuổi từ 6-13 (62,8%), đều bị trầm cảm và lo lắng, căn bệnh trái với độ tuổi của mình, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển sau này của các em.

Khảo sát trên của Bộ Nội vụ không chỉ gây choáng váng mà còn khiến người dân hết sức hoang mang. Người ta chưa quên báo cáo năm 2013 của Hội Liên hiệp Phụ nữ TQ, đã ước tính có đến 61 triệu trẻ em bị cha mẹ bỏ lại nông thôn. Con số này còn lớn hơn dân số nước Anh, là một vấn đề xã hội nghiêm trọng.

Trong khi một số phương tiện truyền thông nhà nước của TQ “hả hê” với con số trẻ em bị bỏ lại đã “giảm được 50 triệu em” so với trước, thì thực tế chỉ ra tình hình chẳng phải đã thay đổi.

Trang mạng sixthtone.com có bài viết “Sự thật về số trẻ em bị bỏ lại trong báo cáo năm 2016” giải thích, cuộc khảo sát 2013 bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, trong khi cuộc khảo sát mới (2016) chỉ lấy số liệu của những đứa trẻ dưới 16 tuổi, chưa kể cách tính còn tùy theo việc chỉ tính trường hợp cả bố mẹ hay tính luôn trường hợp một người đi tìm việc. Thu nhập thấp, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, không ổn định của người lao động nhập cư ở các thành phố là nguyên nhân chia lìa cha mẹ với con cái.

Khảo sát về người lao động nhập cư năm 2016 của Ủy ban quốc gia về y tế và kế hoạch hóa gia đình TQ (NHFPC) cho biết, 2/3 người lao động nhập cư có thu nhập từ 2.000-5.000 NDT (295-740 USD)/ tháng, chỉ 5% kiếm được hơn 8.000 NDT (1.200 USD)/tháng. Nếu thu nhập bình quân của một lao động nam giới là 4.500 NDT/tháng, thì phụ nữ chỉ nhận được 3.411 NDT/tháng.

Nhằm ngăn chặn làn sóng bỏ lại con cái ra thành phố kiếm sống, chính quyền một số địa phương ở TQ đã áp dụng các luật mới. Tỉnh Giang Tô quy định trẻ dưới ba tuổi “bắt buộc” phải được cha mẹ chăm sóc.

Bộ Nội vụ TQ cũng mới đưa ra chiến dịch giám sát, quy định cha mẹ có thể bị truy tố và bị tước quyền giám hộ nếu bỏ lại con cái trong thời gian từ sáu tháng trở lên. Tuy nhiên, việc thực thi các luật mới này chưa vào nền nếp, nhiều địa phương vẫn không có biện pháp nào bảo đảm cuộc sống bình yên cho trẻ.

Trẻ em có quyền được sống một thời thơ ấu êm ả nhưng chính người lớn đã tước đi điều đó. Hậu quả là không thể tưởng tượng được khi những đứa trẻ ấy phát triển nhân cách lệch lạc. Những người lạc quan hy vọng chính phủ TQ sớm có những thay đổi để thực sự kéo giảm số lượng trẻ bị bỏ rơi, chứ không phải dở trò phù phép các con số thống kê.

Quế Lâm (Theo CCTV News, Shanghaiist, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI