Trung Quốc chi mạnh cho việc tuyên truyền trên mạng xã hội quốc tế

23/08/2019 - 07:41

PNO - Trung Quốc đang chi một khoản tiền lớn cho các nỗ lực nhằm giúp truyền thông nhà nước truyền bá thông điệp của mình thông qua các nền tảng xã hội như Facebook và Twitter. Tuy vậy, dường như kết quả không được như mong đợi...

Trả 820.000 USD để quảng bá nội dung tuyên truyền trên Facebook

Theo thông báo của chính phủ Trung Quốc, hợp đồng mới nhất giữa Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc - cơ quan quản lý internet hàng đầu của đất nước và cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản - tờ Nhân dân nhật báo, bao gồm thỏa thuận kéo dài một năm trong việc vận hành và quảng bá nội dung về Trung Quốc trên Facebook với giá 820.000 USD. Thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/8 và Nhân dân nhật báo sẽ chịu trách nhiệm về nội dung hằng ngày trên tài khoản Facebook của mình.

Trung Quoc chi manh cho viec tuyen truyen tren mang xa hoi quoc te
Hai nền tảng truyền thông xã hội, Twitter và Facebook, đều tuyên bố đình chỉ các tài khoản mà họ cho là một phần của chiến dịch tại Trung Quốc nhằm thúc đẩy mối bất hòa chính trị ở Hồng Kông - Ảnh: AFP

Hợp đồng quy định rằng các câu chuyện và video phải tuân thủ định hướng “tuyên truyền tích cực”, trong khi bày tỏ những quan điểm khác nhau về câu chuyện của Trung Quốc, nhằm đưa ra tiếng nói của Trung Quốc, thúc đẩy sự chấp thuận và ủng hộ của cư dân mạng ở nước ngoài đối với hệ tư tưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về “kỷ nguyên mới”.

Tiết lộ trên diễn ra trong bối cảnh các “đại gia” mạng xã hội đang tăng cường sự giám sát đối với các hoạt động của chính phủ Trung Quốc trên mạng internet toàn cầu. Cũng trong ngày 19/7, Facebook và Twitter tuyên bố họ đã xác định và đình chỉ các tài khoản chịu ảnh hưởng từ nhà nước, góp phần định hướng dư luận về các cuộc biểu tình tiếp tục ở Hồng Kông.

Twitter thông báo riêng rằng họ không chấp nhận quảng cáo từ các đơn vị truyền thông do nhà nước kiểm soát để bảo vệ tự do ngôn luận và không gian mạng lành mạnh. Tuy Facebook không đưa ra động thái tương tự, công ty sẽ tiếp tục xem xét các chính sách liên quan đến truyền thông nhà nước. Cả Twitter lẫn Facebook đều bị cấm ở Trung Quốc đại lục.

Những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ quan nhà nước trong việc đưa hình ảnh, tư tưởng của Trung Quốc ra ngoài thế giới. Đồng thời, nội dung vẫn tuân theo đường lối chính trị và  sự kiểm duyệt chặt chẽ của chính phủ. Victor Shih, giáo sư tại Trường Chính sách và Chiến lược toàn cầu thuộc Đại học California San Diego (Mỹ), nhận xét: “Lệnh cấm quảng cáo trên truyền thông nhà nước của Twitter rất đáng chú ý, giữa thời điểm nhiều tập đoàn đang đối mặt áp lực rất cao và mệnh lệnh từ chính phủ Trung Quốc. Những điều này là một bài học quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc khi họ dần đẩy các doanh nghiệp Mỹ nói riêng và nước ngoài nói chung ra khỏi Trung Quốc”.

Gói thầu 176.000 USD để thu hút lượng người theo dõi trên Twitter

Trên Facebook, thông tin từ Thư viện Quảng cáo công cộng cho thấy, nhiều cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chạy ít nhất 900 nội dung quảng cáo có tài trợ vào chiều thứ Tư ngày 21/8, bao gồm các trang chính thức cho Nhân dân nhật báo, Tân Hoa Xã, tờ Global Times, bản tiếng Anh của tờ Trung Quốc hằng ngày và đài truyền hình nhà nước CCTV. Những quảng cáo này khác nhau về hiệu quả, phạm vi và chi phí.

Các phân tích của Facebook cho thấy một đoạn video chạy trong khoảng thời gian từ ngày 13-17/8 thể hiện cảnh hành khách người Úc đang tranh cãi với người biểu tình ở Hồng Kông khi họ ngồi kín sân bay thành phố đã tiếp cận 200.000-500.000 người dùng và có giá duy trì thấp hơn 100 USD. Một bài đăng trên Global Times vào giữa tháng Ba, chỉ trích Ấn Độ ép buộc Liên Hiệp Quốc đưa một tổ chức tại Pakistan vào danh sách khủng bố thu được hơn 1 triệu lượt tương tác, với chi phí từ 500-999 USD.

Các nhà phê bình cho rằng những nỗ lực tuyên truyền ở nước ngoài của Bắc Kinh thường thất bại, một phần do mọi người hoài nghi về các câu chuyện từ truyền thông nhà nước và bản thân cơ quan không hiểu cách thu hút độc giả. Một số chuyên gia ngừng kêu gọi lệnh cấm hoàn toàn việc tuyên truyền theo chủ trương nhà nước, nhưng cho rằng đầu ra, đặc biệt là quảng cáo trả tiền, cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney (Úc), cho rằng tình hình hiện tại giúp đề cao sự cần thiết phải phân biệt giữa ngoại giao công chúng hợp pháp và thông tin “nghi ngờ sai lệch” do chủ ý. Theo ông Adam, phép thử tốt nhất là tính minh bạch và sự răn đe tốt nhất là việc phơi bày, lên án những nỗ lực định hướng dư luận. Ông nói: “Trung Quốc có khả năng tìm kiếm những cách thức tinh vi hơn để gây ảnh hưởng đến công chúng trong tương lai, vì một phần trong mục đích lớn của họ là cố gắng kể câu chuyện theo góc nhìn tốt hơn và duy trì sự kiểm soát của chính phủ”.

Hãng thông tấn nhà nước China News Service vừa trao gói thầu 176.000 USD cho nhà cung cấp dịch vụ công nghệ OneSight (Bắc Kinh), chuyên về phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài, để thu hút ít nhất 580.000 lượt theo dõi trên Twitter. Thông báo mời thầu trên internet cho thấy China News Service đặc biệt tìm kiếm người theo dõi từ Bắc Mỹ, Úc và New Zealand, nhằm mở rộng ảnh hưởng. Kết quả sự hợp tác này xem chừng khá khả quan khi tính đến thứ Tư, cổng thông tin tiếng Anh cho China News Service đã có hơn 590.000 người theo dõi trên Twitter. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI