Trung Quốc 'chi mạnh' cho truyền thông nước ngoài 'bóp méo' sự thật Biển Đông?

11/06/2016 - 20:35

PNO - Trung Quốc vung tiền mua chuộc các tờ báo Úc và một số nước đăng các bài tuyên truyền xuyên tạc, trong đó có nhiều bài ủng hộ ý đồ thâu tóm Biển Đông của Bắc Kinh.

Tờ Straits Times ngày 10/6 đưa tin, nhiều tờ báo Úc thời gian qua đã ký các thỏa thuận gây tranh cãi với Bắc Kinh để đăng các bài báo do truyền thông Trung Quốc sáng tác, “gây lo ngại về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng lên công luận Úc”.

Có khoảng 6 thỏa thuận như vậy được ký vào 26/5 nhân chuyến thăm Úc của trưởng ban tuyên truyền trung ương Trung Quốc Lưu Kỳ Bảo. Một ngày sau đó, một trong những công ty truyền thông lớn nhất nước Úc là Fairfax Media phát hành một phụ trương dài 8 trang mang tên China Watch trên ba tờ báo lớn của công ty là Sydney Morning Herald, Age và Australian Financial Review.

Phần giới thiệu trên trang nhất nói rõ nội dung của phần phụ trương do China Daily cung cấp và không có sự can thiệp biên tập từ Fairfax Media.

Điều đáng lo ngại là nội dung các bài viết trong phần này lên tiếng bênh vực Trung Quốc và lên án Philippines đưa Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về vấn đề tranh chấp Biển Đông. “Manila không có cơ sở (để kiện)”, nội dung một tiêu đề. Các bài viết khác ca ngợi những lợi ích mà Úc sẽ nhận được trong thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc.

Trung Quoc 'chi manh' cho truyen thong nuoc ngoai 'bop meo' su that Bien Dong?
Một công ty truyền thông Úc đăng bài báo của Trung Quốc lên án vụ kiện về Biển Đông của Philippines

Người phát ngôn của Fairfax nói rằng, thỏa thuận nhận tiền đăng bài của họ với Trung Quốc cũng giống các bài quảng cáo khác.

Các nhà bình luận cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện một cuộc “đảo chính tuyên truyền” lợi dụng sự khó khăn về tài chính của các tờ báo Úc.

“Thời gian này rất khó khăn, đặc biệt là cho các tờ báo và chúng ta chỉ có thể nói rằng đó là lý do Fairfax Media đồng ý nhận tiền từ Trung Quốc để giúp họ tuyên truyền”, phát thanh viên chương trình Media Watch của ABC nhận định.

Trong khi đó, giáo sư Rory Medcalf của Đại học Quốc gia Úc vạch rõ ý đồ của Bắc Kinh là nhằm “thay đổi công luận trong nước Úc về các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông”. Ông Medcalf nói: “Mục tiêu lâu dài là nhằm khiến Úc bớt chống đối Trung Quốc trong các vụ đối đầu khu vực”.

Trước đó, hôm 23/5, dư luận quốc tế có phần "bất ngờ" khi phát hiện một bài viết không bình thường trên trang quảng cáo của tờ Globe and Mail (Canada).

Trung Quoc 'chi manh' cho truyen thong nuoc ngoai 'bop meo' su that Bien Dong?
Bài viết của Trung Quốc chỉ trích vụ kiện của Philippines trên trang quảng cáo của tờ Globe and Mail.

Đặc biệt, dù nằm trong phần quảng cáo nhưng nội dung bài viết này được cho là "thể hiện tiếng nói của chính phủ Trung Quốc" khi cáo buộc việc Manila khởi kiện yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" mà Bắc Kinh áp đặt trên biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế.

Dù vậy, nội dung bài viết không hề đề cập đến các hành động của Trung Quốc trên biển Đông đang vấp phải sự phản đối từ dư luận quốc tế và bị cho là nhân tố gây bất ổn trong khu vực.

Theo trang Quartz, phía Trung Quốc đã chi ra trên 7.700 USD để đăng bài báo trên.


Ngay sau đó chỉ vài ngày, 27/05/2016, tờ báo lớn của Pháp là Le Figaro đã đăng tải cả một phụ trang với nội dung bằng tiếng Pháp do tờ China Daily của Trung Quốc chịu trách nhiệm. Bài viết ở trang đầu có tiêu đề "Biển Đông, vấn đề nguyên tắc của Bắc Kinh".

Trong đó, các giọng điệu quen thuộc mà Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố thời gian qua đã được nhắc đi nhắc lại, như việc Philippines kiện Bắc Kinh là phi pháp, hay "lập trường về biển Đông của Trung Quốc được hơn 40 nước ủng hộ"...

Chiều 3-6, ngay sau cuộc tiếp xúc song phương với đoàn quốc phòng Việt Nam, đoàn Trung Quốc đã phát tờ rơi có nội dung xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông cho các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Trung Quoc 'chi manh' cho truyen thong nuoc ngoai 'bop meo' su that Bien Dong?
Tài liệu bằng tiếng Hoa xuyên tạc về vấn đề biển Đông được đoàn Trung Quốc phân phát bên lề Đối thoại Shangri-La.

Tờ rơi được phát có nội dung tuyên truyền những luận điệu sai trái của nước này về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Nội dung tờ rơi này cho rằng các đảo của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa, và quần đảo Nam Sa (là Trường Sa của Việt Nam). Bốn quần đảo này đều hợp thành lãnh thổ của Trung Quốc.

Về quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc trắng trợn viết: “Một số nước xung quanh biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Trường Sa hiện nay và Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên, và khai thác quần đảo Trường Sa”.

Trong tờ rơi, Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng yêu cầu lãnh thổ của các nước khác đối với quần đảo Trường Sa không phù hợp với luật pháp quốc tế:

Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) hôm 6/6 cho hay, việc thuê trang quảng cáo để đăng các bài xã luận, phân tích về vấn đề biển Đông đang được chính sứ quán Trung Quốc tại nhiều quốc gia thao túng thực hiện.

Như vậy, có thể thấy Trung Quốc đã chi khá mạnh tay để "mua chuộc" truyền thông nước ngoài nhằm bóp méo các sự việc trên Biển Đông, để lôi kéo sự ủng hộ của dư luận thế giới về phía mình trước thềm phiên tòa phán quyết sắp diễn ra.

Qua những hành động này có thể thấy rõ sự nham hiểm của Trung Quốc nhằm lấp liếm những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của mình, tuy nhiên, tất cả những hành động trên đều bị quốc tế vạch mặt.

Khánh Ly (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI