Trung Quốc chế tạo “bảo mẫu AI” để chăm sóc thai nhi trong tử cung nhân tạo

31/01/2022 - 14:25

PNO - Các nhà nghiên cứu ở Tô Châu, Trung Quốc, đã phát triển một hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đóng vai trò như một “bảo mẫu”, có thể theo dõi và chăm sóc phôi thai khi chúng phát triển thành bào thai trong phòng thí nghiệm.

Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ nuôi con trong tử cung nhân tạo có thể là bước đột phá cho việc sinh sản trong tương lai ở Trung Quốc, quốc gia đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp nhất trong nhiều thập niên qua.

Việc sản xuất hàng loạt trẻ sơ sinh trong tử cung nhân tạo sẽ làm dấy lên những lo ngại về đạo đức
Việc sản xuất hàng loạt trẻ sơ sinh trong tử cung nhân tạo sẽ làm dấy lên những lo ngại về đạo đức

Trong một báo cáo được được công bố trên Tạp chí Kỹ thuật y sinh Trung Quốc - một tạp chí chuyên đăng tải các công trình nghiên cứu đã được nhà khoa học trong nước đánh giá - vào tháng trước, các nhà khoa học cho biết “bảo mẫu AI” hiện đang chăm sóc một số lượng lớn các phôi thai động vật.

Công nghệ tương tự áp dụng cho người sẽ giúp “giải phóng” những phụ nữ muốn có con nhưng không phải mang thai, và thai nhi vẫn có thể phát triển bên ngoài cơ thể người mẹ một cách an toàn và hiệu quả hơn.

“Tử cung nhân tạo, hay “thiết bị nuôi cấy phôi dài hạn”, là một “chiếc hộp” chứa các phôi chuột đang phát triển trong một dòng gồm các khối được chứa đầy chất lỏng dinh dưỡng”, nhóm nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật y sinh và công nghệ Tô Châu, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, do giáo sư Sun Haixuan (họ Tôn) đứng đầu, cho biết.

Trước đó, quá trình phát triển của mỗi phôi thai phải được quan sát, ghi lại và điều chỉnh thủ công - một công việc tốn nhiều công sức và là không thể thực hiện trong dài hạn khi quy mô nghiên cứu tăng lên.

Các nhà nghiên cứu cho biết hệ thống robot hay “vú em” nhân tạo có thể theo dõi các phôi thai một cách rất chi tiết, khi chúng chuyển động lên xuống suốt ngày đêm. Công nghệ AI giúp “vú em” phát hiện những dấu hiệu thay đổi nhỏ nhất trên phôi, và tinh chỉnh lượng carbon dioxide, dinh dưỡng cũng như các yếu tố môi trường đầu vào.

Hệ thống thậm chí có thể xếp hạng các phôi theo sức khỏe và tiềm năng phát triển. Khi một phôi thai phát triển một khiếm khuyết lớn hoặc chết đi, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo kỹ, giúp kỹ thuật viên lấy nó ra khỏi “tử cung nhân tạo”.

 “Tuy nhiên, nghiên cứu về các giai đoạn phát triển sau đó của phôi thai rất quan trọng, vì vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được giải đáp về sinh lý học trong sự phát triển phôi điển hình của con người.

Công nghệ này không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về nguồn gốc sự sống và sự phát triển phôi thai của con người, mà còn tạo cơ sở lý thuyết để xử lý các dị tật bẩm sinh và các vấn đề sức khỏe sinh sản lớn khác”, Giáo sư Tôn và các đồng nghiệp của ông cho biết trong báo cáo.

Nghiên cứu nói trên được công bố trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng suy giảm dân số, với số trẻ sơ sinh trong 5 năm tính từ năm 2016 đã giảm gần một nửa. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tăng trưởng dân số ròng năm ngoái của nước này đạt mức thấp nhất trong vòng 6 thập niên qua.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc không xem chuyện hôn nhân và con cái là ưu tiên hàng đầu, mặc dù chính phủ nước này đã “mạnh tay” nới lỏng chính sách một con và triển khai nhiều biện pháp khuyến khích sinh sản khác.

Trên thực tế, công nghệ tử cung nhân tạo không phải là mới, và đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước trên thế giới trong những năm gần đây.

Năm 2019, một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Động vật học ở Bắc Kinh đã chuyển một cái trứng của khỉ đã thụ tinh vào một tử cung tổng hợp để nuôi dưỡng cho đến khi nó hình thành các cơ quan bộ phận. Đây cũng là lần đầu tiên phôi thai của loài linh trưởng được phát triển bên ngoài cơ thể mẹ lâu nhất.

Cũng trong năm này, các nhà khoa học ở Hà Lan cho biết đang trong một kế hoạch phát triển tử cung nhân tạo để cứu trẻ sinh non, dự kiến kéo dài 10 năm.

Tháng 3 năm ngoái, một nhóm nghiên cứu khác ở Israel đã nuôi một lô hơn 100 phôi chuột đến giai giữa giai đoạn phát triển thành bào thai.

“Tôi nghĩ rằng việc phát triển công nghệ nuôi thai trong tử cung nhân tạo không phải là một vấn đề, mà thách thức lớn nhất trong việc này là luật pháp và đạo đức. Hiện, Trung Quốc vẫn cấm mang thai hộ. Công nghệ tử cung nhân tạo sẽ biến bệnh viện thành nơi thay thế cha mẹ. Và tôi nghĩ rằng không có bệnh viện nào muốn nhận trách nhiệm này.

Ngoài ra, việc sản xuất hàng loạt trẻ sơ sinh trong nhà máy tử cung nhân tạo có thể giúp duy trì dân số ở một quốc gia, nơi mà người dân không muốn sinh con. Nhưng những tác động xã hội hoặc tâm lý của việc này sẽ như thế nào?”, một nhà nghiên cứu của Viện Nhi khoa thủ đô ở Bắc Kinh, người không muốn nêu tên, nhận định.

Luật pháp quốc tế hiện cũng nghiêm cấm các nghiên cứu thử nghiệm trên phôi thai người đã phát triển được 2 tuần.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI