Trung Quốc cắt giảm 8 bộ để chống quan liêu và 'cát cứ'

13/03/2018 - 14:16

PNO - Báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, cuộc cải tổ lớn nhằm tăng cường sự kiểm soát của Đảng ảnh hưởng đến hơn hai chục bộ và các cơ quan nhà nước Trung Quốc.

Tờ báo cho biết, việc Trung Quốc cắt giảm bộ ngành xảy ra sau khi nước này công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm cải tạo cấu trúc của chính quyền trung ương.

Trung Quoc cat giam 8 bo de chong quan lieu va 'cat cu'
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường nghe Phó chủ tịch Quốc hội Li Jianguo đọc báo cáo dự thảo Luật Giám sát tại phiên họp ngày 13/3 ở Bắc Kinh - Ảnh: SCMP

Những thay đổi lớn bao gồm sáp nhập các cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm của đất nước, và thành lập các cơ quan đặc biệt để giám sát những vấn đề liên quan đến nhập cư và cựu chiến binh.

Kết quả là, các bộ thuộc Hội đồng Nhà nước - nội các của Trung Quốc - sẽ giảm đi 8 bộ, xuống còn 26 bộ, trong khi 7 cơ quan không phải cấp bộ cũng sẽ bị cắt giảm.

Kế hoạch cải tổ chính phủ dự kiến ​​sẽ được Quốc hội (NPC) phê chuẩn vào cuối tuần này, đánh dấu một trong những thay đổi lớn nhất đối với chính quyền trung ương trong lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Lần cải tổ gần đây nhất với quy mô tương tự xảy ra năm 1998, khi Thủ tướng Chu Dung Cơ đóng cửa hoặc sáp nhập 15 bộ và các uỷ ban thuộc Hội đồng Nhà nước.

Quyền lực của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đầy ảnh hưởng - thường được mệnh danh là “tiểu Hội đồng Nhà nước” - sẽ thu hẹp theo kế hoạch cải tổ.

Động thái này là một phần trong kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm khôi phục lại toàn bộ chính quyền tăng cường vai trò kiểm soát của Đảng và tạo nền tảng hiệu quả hơn để cai trị quốc gia đông dân nhất thế giới.

Cuộc cải tổ cũng nhắm đến việc giảm tệ nạn quan liêu và cuộc chiến lãnh địa (“quyền lợi nhóm”) bằng cách dỡ bỏ những chức trách và trách nhiệm chồng chéo.

Ví dụ, lập Bộ Quản lý Khẩn cấp sẽ tập trung kiểm soát tất cả thiên tai và nhân tai, từ động đất đến cháy rừng. Theo hệ thống rời rạc hiện tại, tùy theo bản chất vụ việc mà cơ quan chính phủ sẽ chịu trách nhiệm xử lý, ví dụ cháy rừng thuộc về chức trách của Bộ Nông nghiệp.

Kế hoạch cũng sắp xếp lại một số chức năng của chính phủ nhằm giảm nguy cơ xung đột lợi ích. Ví dụ, cơ quan quản lý các vấn đề thay đổi khí hậu và ô nhiễm sẽ được chuyển từ cơ quan hoạch định kinh tế sang Bộ Môi trường sinh thái, trong khi trách nhiệm quản lý kiểm soát thuốc lá sẽ được chuyển từ Bộ Công nghiệp cho Ủy ban Y tế Quốc gia.

Một thay đổi đáng kể khác là giải tán ủy ban Kế hoạch hóa gia đình. Sau bốn thập kỷ theo chính sách “một con” – xảy ra nhiều vụ phá thai tàn bạo cũng như mức phạt nặng người vi phạm sinh con trái phép – Trung Quốc không còn cơ quan chính phủ chính thức quản lý vấn đề này.

Cheng Enfu, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc và là một trong số 3.000 đại biểu NPC, người sẽ bỏ phiếu cho kế hoạch cải tổ, nói rằng cấu trúc mới cho thấy Bắc Kinh muốn tạo ra một bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn, giống như ở các nước phát triển.

Một trong những bổ sung mới cho cơ cấu chính phủ là một ủy ban đặc biệt quản lý viện trợ nước ngoài, phù hợp với sự thúc đẩy để mở rộng tầm nhìn toàn cầu của Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng tiến hành sáp nhập hai cơ quan quản lý tài chính là Ủy ban Chứng khoán và Ngân hàng.

Dưới đây là những thay đổi quan trọng trong kế hoạch cải cách của Hội đồng Nhà nước do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra trình NPC:

1. Bộ Tài nguyên Thiên nhiên được thành lập để tập hợp các chức năng trước đây nằm rải rác ở các cơ quan khác nhau Bộ Đất đai và Tài nguyên; Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn; Xây dựng; Tài nguyên nước; và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, và Cục Lâm nghiệp. Cục Quản lý Hải dương học và Cục Điều tra, Bản đồ và Thông tin Địa lý Quốc gia được đưa vào bộ mới.

2. Bộ Môi trường Sinh thái được thành lập để chịu trách nhiệm về các vấn đề biến đổi khí hậu trước thuộc về Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, và tập trung quản lý ô nhiễm nước.

3. Một ủy ban y tế được thành lập để thay thế một phần ủy ban kế hoạch hóa gia đình.

4. Thành lập một cơ quan đặc biệt về cựu chiến binh.

5. Văn phòng Kiểm toán Trung Quốc được mở rộng và nó có chức năng giám sát từ cơ quan hoạch định kinh tế, và ủy ban giám sát và quản lý công sản.

6. Thành lập một siêu văn phòng giám sát thị trường để quản lý các chức năng quản lý các chức năng điều tiết thị trường khác nhau, bao gồm cả các vấn đề chống độc quyền.

7. Các cơ quan quản lý bảo hiểm và ngân hàng sẽ được sáp nhập vào một tổ chức duy nhất.

8. Thành lập phòng nhập cư.

9. Sáp nhập các chi nhánh thuế vụ trung ương và địa phương.

Hoàng Diệu (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI