Trung Quốc càng đuối lý sẽ càng hung hăng

16/07/2016 - 06:24

PNO - Nhiều người có quá vội vàng khi cho rằng phán quyết của Tòa án Quốc tế về luận điệu “đường 9 đoạn” của Trung Quốc sẽ đem đến một viễn cảnh tươi sáng cho khu vực Biển Đông?

LTS: Phán quyết của Tòa án Quốc tế vào ngày 12/7 được thế giới coi là sự kiện lịch sử khi kết luận: Không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, trong vùng biển thuộc phạm vi “đường chín đoạn".

Luật sư Lê Đức Tiết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chia sẻ suy nghĩ xung quanh sự kiện này. Báo Phụ nữ TP. HCM xin đăng toàn bộ ý kiến của Luật sư Lê Đức Tiết!

Philippines đã đưa đơn kiện Trung Quốc ra trước Tòa Trọng tài đặc biệt quốc tế (PCA) với ba căn cứ pháp lý: 1) Tuyên bố của Trung Quốc về "đường lưỡi bò"; 2) Các đảo, bãi đá nửa chìm, nửa nổi có lãnh hải riêng; 3) Ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt hải sản xung quanh bãi cạn Scarborough đều trái với việc giải thích và vận dụng Công ước quốc tế về luật biển 1982 (UNCLOS 1982).

Hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông hiển nhiên là trái với UNCLOS 1982.

Theo UNCLOS, lãnh hải của một nước phải gắn liền với bờ biển của nước đó và phải có mốc giới rõ ràng. Bờ biển, thềm lục địa là gốc của lãnh hải. Không có lãnh hải khi không có bờ biển làm cơ sở. Các đảo không có điều kiện cho con người sinh sống thì không có quyền có lãnh hải riêng. Các công trình nhân tạo trên biển chỉ có ranh giới bảo đảm an toàn quanh nó trong phạm vi 500m. Việc Trung Quốc ồ ạt cải tạo các bãi đá, các đảo không có người ở thành căn cứ quân sự đã phá vỡ nghiêm trọng môi trường sinh thái cho các loài thủy sinh ở biển. Nó đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hàng hải, hàng không ở khu vực này.

Trung Quoc cang duoi ly se cang hung hang
Trong những tháng qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh hành động khai hoang và xây dựng trái phép đảo nhân tạo trên Biển Đông.

Vì không có bất cứ căn cứ lịch sử, pháp lý, thực tiễn nào để biện minh về chủ quyền của họ trên biển Đông nên càng gần đến ngày PCA ra phán quyết thì Trung Quốc càng tỏ ra hung hăng. Trung Quốc đòi Mỹ, NATO, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc… không được can thiệp và các diễn đàn quốc tế không được đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự. Để làm áp lực, Trung quốc đe dọa sẽ rút khỏi UNCLOS. Thái độ hung hăng của Trung quốc đã khiến Nữ hoàng Anh và giới truyền thông quốc tế gọi là hành vi ngạo mạn, thô lỗ - những từ rất ít khi được dùng trong quan hệ quốc tế.

Điều gì phải đến tất đến. Biển Đông là một trong những giao lộ huyết mạch của cả thế giới. Lưu lượng hàng hóa với giá trị nhiều ngàn tỷ đô la mỗi năm đều đi qua đây. An ninh hàng hải, hàng không thế giới và con đường mưu sinh của nhiều trăm triệu ngư dân của các nước ASEAN sẽ bị phong tỏa nếu biển Đông biến thành ao nhà của Trung Quốc.

Vì vậy, phán quyết nghiêng về phía Philippines không chỉ có lợi cho riêng nước này, hay cho riêng các nước ASEAN, mà có lợi cho cả nhân loại. Cuộc đấu tranh để bảo vệ công pháp quốc tế - nền tảng cho sự công bằng, văn minh, thịnh vượng của loài người sẽ thắng hay là để cho nền công lý thuộc về kẻ mạnh ngự trị? Loài người không thể quay ngược trở lại thời kỳ đen tối khi mà bạo lực, chiến tranh trở thành phương thức, thủ đoạn để tranh giành quyền lợi.

Các nước ngoài ASEAN lên tiếng đòi duy trì, bảo vệ an ninh hàng không, hàng hải ở biển Đông không đơn thuần là hành động bênh vực chính nghĩa. Trước hết và trên hết là để bảo vệ quyền lợi thiết thân của các nước này. Việc Trung Quốc đòi các nước ngoài ASEAN không can thiệp hoặc giữ trung lập trong vấn đề biển Đông chẳng khác gì việc đòi các nước này từ bỏ những quyền mưu sinh của họ.

Vậy Trung Quốc sẽ làm gì khi phán quyết của PCA cản trở tham vọng bành trướng của họ? Điều sẽ không thay đổi là Trung Quốc tiếp tục tuyên bố không thừa nhận phán quyết của PCA. Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo các bãi đá, thiết lập các căn cứ quân sự, tuyên bố vùng nhận dạng phòng không của họ trên biển Đông.

Về mặt hành động, Trung Quốc sẽ tiếp tục khiêu khích để các nước ASEAN sa vào giải quyết tranh chấp bằng xung đột vũ trang. Nhân đó họ lớn tiếng “giành quyền tự vệ” để cướp đoạt lãnh thổ của các nước trong vùng. Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng các tàu quân sự đã cải trang thành tàu hải cảnh để đuổi bắt, đâm chìm hoặc bảo kê cho các tàu cá của ngư dân nước họ đâm chìm các tàu thuyền đánh cá của các nước ASEAN. Những hành động này sẽ bị coi là cướp biển và sẽ bị xử lý theo luật quốc tế về chống cướp biển.

Trung Quoc cang duoi ly se cang hung hang
Luật sư Lê Đức Tiết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Những kẻ đuối lý thường trở nên hung hăng. Hung hăng cốt để che lấp sự đuối lý của họ. Đó là cách xử sự của những kẻ mạnh nhưng không tự làm chủ, không kiểm soát được hành vi của mình. Tham vọng bành trướng và thái độ hung hăng của Trung Quốc khiến họ ngày càng trở nên đơn độc và bị bủa vây bởi trạng thái thù địch với nhiều nước. Các nước ASEAN nhỏ hơn nhưng không hẳn là nước yếu mà Trung Quốc có thể bắt nạt. Các nước ASEAN đã có kế hoạch thực hiện các cuộc tuần tra chung để bảo vệ lãnh hải của họ. Các nước ngoài ASEAN cũng có những kế hoạch tuần tra chung để bảo đảm an ninh hàng không, hàng hải trên biển Đông.

Khi ba cơ sở pháp lý trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc được PCA công nhận thì điều đó có nghĩa là trật tự trên biển cả theo UNCLOS là tiêu chí pháp lý, đạo lý mà mọi quốc gia phải tuân theo. Đường lưỡi bò, yêu sách về lãnh hải đối với các bãi đá, việc cải tạo các đảo dẫn đến việc hủy diệt các rặng san hô là hành vi trái với việc giải thích, vận dụng UNCLOS.

Lãnh hải, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ASEAN được bảo vệ bằng các căn cứ pháp lý quốc tế. Quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng được bảo đảm. Liệu những cái đầu nóng ở Bắc Kinh có dám gây ra chiến tranh thế giới lần III bằng cách liều lĩnh gây ra các xung đột quân sự ở biển Đông không? Trong tình hình thế giới hiện nay không một nước nào, dù mạnh đến đâu, cũng không thể ngang nhiên chống lại cả thế giới. Các nước lớn nhỏ, mạnh yếu khác nhau đều tùy thuộc lẫn nhau. Cho dù Trung Quốc có rút khỏi UNCLOS cũng không thể chống lại UNCLOS. Chống lại UNCLOS đồng nghĩa với việc chống lại cả thế giới.

Trung Quốc hiện đang ra sức thực hiện âm mưu chia rẽ các nước ASEAN bằng luận điệu: “Gác bỏ tranh chấp để hướng về cái gọi là đạị cục”, theo đó các nước ASEAN sẽ cùng với Trung quốc khai thác các nguồn lợi ở biển Đông. Điều này không ru ngủ được dư luận. Nhân dân các nước nhận biết ngay được rằng đây là thủ đoạn thực thi chủ quyền từng bước, theo kiểu tằm ăn lá dâu, tiến tới thôn tính toàn bộ biển Đông mà Trung quốc cố công thực hiện.

Nhân dân các nước hiểu rằng “Đại cục” tóm lại chỉ có ý nghĩa với Trung Quốc. Còn quyền lợi của các nước khác chỉ là con số không

Tình hình biển Đông sẽ tiếp tục căng thẳng vì âm mưu bành trướng của Trung Quốc còn tồn tại lâu dài. Biện pháp đối phó có hiệu quả nhất là các nước ASEAN phải kiên trì đường lối đấu tranh giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982. Điều hệ trọng nhất là giữ vững sự đoàn kết giữa các nước trong khối ASEAN.

Trong trường hợp các nước ASEAN bị buộc phải cầm vũ khí để bảo vệ chủ quyền của nước họ thì họ có thể dùng chiến tranh không đối xứng để đáp trả hành vi xâm lược của Trung Quốc. Và điều quan trọng hơn cả là các nước ASEAN không đơn độc khi bị Trung Quốc xâm lược.

LS Lê Đức Tiết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI