Trung Quốc cấm xuất khẩu chip Long Tâm ra nước ngoài, bao gồm cả Nga

14/12/2022 - 17:20

PNO - Bộ vi xử lý Long Tâm (Loongson), CPU 3A6000 sở hữu công nghệ “cây nhà lá vườn” của Trung Quốc, được cho là sẽ chỉ dành riêng cho quân đội Bắc Kinh.

 Nguồn tin nội bộ từ Nga xác nhận rằng ngay cả Mát-xcơ-va cũng không được phép tiếp cận công nghệ này.

Chip xử lý Long Tâm “cây nhà lá vườn” của Trung Quốc
Chip xử lý Long Tâm “cây nhà lá vườn” của Trung Quốc

Kênh tin RT (Russia Today) trích dẫn nguồn tin từ Bộ Phát triển Kỹ thuật số và Truyền thông thông tin Nga (trước là Bộ Truyền thông Nga) cho biết, chip xử lý Long Tâm sử dụng công nghệ gốc của các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ không được xuất khẩu sang các quốc gia khác, bao gồm cả Nga. Điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch của Mát-xcơ-va  nhằm tìm kiếm lựa chọn thay thế  cho các sản phẩm CPU do các hãng lớn như Intel hay AMD sản xuất.

Lệnh hạn chế này được cho là sẽ ảnh hưởng đến các CPU mới hơn do Công ty công nghệ Long Tâm (Loongson Technology) sản xuất, sử dụng kiến trúc tập lệnh (ISA) do doanh nghiệp này tự tay phát triển. Kiến trúc tập lệnh là cơ chế xác định cách bộ xử lý tiến hành xử lý dữ liệu, yêu cầu điều chỉnh hệ điều hành của máy tính sử dụng nó.

Theo RT, vào ngày 13/12 báo tiếng Nga Kommersant dẫn nguồn tin nội bộ cho biết, chính phủ Trung Quốc đã cấm xuất khẩu CPU dựa trên công nghệ của tập đoàn Long Tâm sang các quốc gia khác do những lo ngại về an ninh quốc gia. Nguồn tin này cho biết thêm: “Các chipset tốt nhất ở Trung Quốc được sử dụng trong các tổ hợp công nghiệp quân sự và đó là lý do chính tại sao chúng không được phép có mặt trên thị trường nước ngoài.”

Bà Marina Miron, nhà nghiên cứu từ Khoa Nghiên cứu Quốc phòng tại Trường Cao đẳng Hoàng gia London (KCL) nhận định với báo Newsweek, bất kỳ lệnh cấm xuất khẩu nào của Trung Quốc sẽ tác động đến khả năng cạnh tranh của Nga trong lĩnh vực công nghệ, buộc nước này phải tìm kiếm các giải pháp thay thế và tăng năng lực sản xuất vi mạch trong nước.

Bà Miron cho biết: “Lưu ý, động thái này không đặc biệt nhắm vào Nga. Thay vào đó, lệnh cấm này liên quan đến các mục tiêu rộng lớn hơn nhiều.” Theo đó, lệnh cấm xuất khẩu chip của Trung Quốc cũng sẽ không gây ra bất kỳ sự cố đáng kể nào đối với năng lực công nghệ của Nga.

Bà Miron phân tích: “Mặc dù Nga không tích hợp bộ xử lý Long Tâm vào hệ sinh thái công nghệ của mình, nhưng họ vẫn sẽ phải tìm kiếm các giải pháp thay thế để lấp đầy khoảng trống, đến khi đạt được năng lực sản xuất cần thiết.”

Nguồn cung vi xử lý đã trở thành vấn đề đối với Nga kể từ loạt lệnh trừng phạt đầu tiên sau sự kiện Mát-xcơ-va sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Những lệnh trừng phạt này đã ảnh hưởng đến các tổ hợp công nghiệp - quân sự của nước này và gây ra sự chậm trễ trong quá trình sản xuất vũ khí có độ chính xác cao.

CNN dẫn lời bà Miron cho biết thêm: “Lệnh cấm này không có khả năng gây ra bất kỳ sự gián đoạn nghiêm trọng nào hơn nữa, vì Nga đã phải chịu đựng sự thiếu hụt này trong gần một thập kỷ qua, họ đã xoay xở thích nghi được.”

Ông Vitaly Mankevich, người đứng đầu Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga - châu Á cho biết: “Ngay cả trong trường hợp xảy ra kịch bản tiêu cực, chúng tôi vẫn có nhiều cách để mua những sản phẩm như vậy, kể cả thông qua các bên trung gian nhỏ hơn.”

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đến nay, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt, bao gồm lệnh cấm vận đối với chất bán dẫn sử dụng công nghệ của nước này, đã khiến nguồn chip toàn cầu vào Nga giảm đến 90%, theo Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo.

Đáp lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ, chính phủ Nga đã thực hiện chiến lược “nhập khẩu song song”, nhập khẩu sản phẩm thông qua các quốc gia thứ ba mà không có sự đồng ý rõ ràng của bên bán thứ nhất. Nhờ phương pháp này, dòng chảy của nhiều loại hàng hóa vào Nga, từ quần áo đến lò phản ứng hạt nhân, vẫn được duy trì, đáp ứng tương đối đủ nhu cầu của quốc gia này.

Theo nguồn tin từ Bộ Phát triển Kỹ thuật số và Truyền thông thông tin Nga, trong hoàn cảnh nước này thiếu hụt chip Intel và AMD, một số nhà sản xuất thiết bị điện tử đã thử nghiệm chip Long Tâm, nhưng họ không còn có thể đặt mua các lô hàng mới.

Công nghệ sản xuất chip xử lý Long Tâm được giới thiệu từ tháng 4/2021, với mục tiêu làm cho ngành công nghiệp máy tính nội địa của Trung Quốc bớt phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Dòng CPU Long Tâm 3A5000, với 4 nhân sử dụng kiến trúc mới đã được đưa vào sản xuất vào cuối năm đó, hiệu năng được cho là tương đương với thế hệ thứ 6 của chip Intel Core. Chip Long Tâm được giới thiệu là có tích hợp bộ xử lý đồ họa (iGPU), cho phép khởi tạo các hệ thống máy tính không cần card đồ họa rời.

Trường An (theo RT, Newsweek)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI