Trung Quốc cấm vĩnh viễn việc mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã

25/02/2020 - 19:12

PNO - Trong một động thái được nhiều người hoan nghênh, Trung Quốc cuối cùng đã cấm vĩnh viễn việc buôn bán và tiêu thụ một số loại động vật hoang dã.

Hôm thứ Hai 24/2, kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc - CCTV dẫn nguồn tin từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, thông báo quyết định cấm hoàn toàn việc săn bắn, buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã để tiêu thụ. Những người phạm tội sẽ bị “trừng phạt đích đáng".

Yang Heqing - Phó giám đốc Văn phòng Luật Kinh tế thuộc Ủy ban lập pháp của quốc hội Trung Quốc - chia sẻ, động vật thủy sinh, gia súc, gia cầm và các động vật khác đã được nhân giống từ lâu ở nước này nên không nằm trong lệnh cấm. Sử dụng động vật hoang dã cho các mục đích khoa học và y tế cũng được cho phép, nhưng quy trình quản lý sẽ được tăng cường.

Lệnh cấm mua bán, nuôi nhốt, tiêu thụ động vật hoang dã có hiệu lực ngay từ ngày 24/2.
Lệnh cấm mua bán, nuôi nhốt, tiêu thụ động vật hoang dã có hiệu lực ngay từ ngày 24/2

Quyết định cấm tiêu thụ động vật hoang dã nhanh chóng được thông qua sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi một cuộc điều tra chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các nhà bảo vệ môi trường và bảo tồn động vật hoang dã hoan nghênh quyết định này, mặc dù các nhà bình luận khác nhận định chính phủ sẽ cần viện trợ tài chính cho các công ty điều hành trang trại chăn nuôi động vật hoang dã.

Theo một báo cáo do Học viện Kỹ thuật Trung Quốc công bố năm 2017, ngành công nghiệp chăn nuôi và tiêu thụ động vật hoang dã có giá trị 520 tỷ nhân dân tệ (74 tỷ USD) và sử dụng hơn 14 triệu lao động. Hơn một nửa trong số đó - khoảng 7,6 triệu người - làm việc cho ngành công nghiệp lông và da, trị giá khoảng 390 tỷ nhân dân tệ (55,5 tỷ USD). Còn lại khoảng 6,2 triệu người làm việc trong các trang trại chăn nuôi hoặc chế biến động vật làm thực phẩm.

 

Hàng triệu người dân Trung Quốc sống nhờ vào ngành công nghiệp khai thác động vật hoang dã, vì vậy quá trình chuyển đổi có thể mất một thời gian.
Hàng triệu người dân Trung Quốc sống nhờ vào ngành công nghiệp khai thác động vật hoang dã, vì vậy quá trình chuyển đổi có thể mất một thời gian.

Wang Canfa - giáo sư luật môi trường tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc tại Bắc Kinh - cho rằng: chính phủ nên đề nghị giúp chuyển đổi ngành chăn nuôi đông vật hoang dã, khi xét đến quy mô lớn của nó. Zhou Ke - giáo sư về luật tài nguyên và môi trường tại Đại học Renmin, thừa nhận: “Sự chuyển đổi ngành chăn nuôi nên được kết hợp với các chương trình xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc với ngân sách công bố hàng năm”.

G.S Zhou Ke và G.S Wang cùng như 12 chuyên gia luật môi trường khác là thành viên ban cố vấn của Ủy Ban thường vụ Quốc hội. Họ đã thảo luận sửa đổi luật bảo vệ động vật hoang dã và gửi 6 đề xuất cho các thành viên quốc hội. Trước đây, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm mua bán động vật hoang dã tạm thời, có hiệu lực từ khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh COVID-19, nhưng dư luận cho rằng điều đó là chưa đủ để ngăn chặn những đại dịch khác tiếp tục xảy ra trong tương lai.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thói quen ăn động vật hoang dã và mối đe dọa tiềm ẩn lớn đối với sức khỏe cộng đồng đã khiến nhiều người lo ngại. 17 năm trước, dịch bệnh do Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) đã giết chết hơn 800 người trên toàn thế giới, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận có liên quan đến việc tiêu thụ cầy hương ở Trung Quốc. WHO cho biết 70% mầm bệnh gây bệnh toàn cầu được phát hiện trong 50 năm qua đến từ động vật.

Linh La (Theo SCMP, Shanghaiist)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI