Trung Quốc cấm nhập khẩu 1 tỷ USD thịt bò từ Úc

12/05/2020 - 16:39

PNO - Bốn lò mổ ở Úc bị đình chỉ xuất khẩu thịt đỏ sang Trung Quốc khi căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia leo thang sau những vấn đề về COVID-19.

Bốn nhà cung cấp thịt đỏ - ba từ Queensland và một từ New South Wales - bán khoảng 1 tỷ USD thịt cho Trung Quốc mỗi năm, chiếm khoảng 1/3 tổng xuất khẩu thịt bò cho đối tác thương mại lớn nhất của Úc.

Động thái cấm nhập thịt bò từ Úc được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc đe dọa sẽ áp thuế 80% đối với lúa mạch Úc.

Công ty Kilcoy Pastoral, Công ty Beef City ở Toowoomba, Công ty thịt Dinmore của Brisbane và Hợp tác xã miền Bắc tại New South Wales đã tạm thời bị đưa vào danh sách đen.

Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham nói với Daily Mail Australia rằng việc đình chỉ là do "các vấn đề kỹ thuật" xung quanh việc dán nhãn và chứng nhận sức khỏe. Ông nói với các phóng viên vào chiều 12/5: "Kỳ vọng của tôi là tất cả các vấn đề kỹ thuật sẽ được giải quyết".

Những khó khăn trong mối quan hệ thương mại hai bên tăng cao do lời kêu gọi của chính phủ Úc cấm thị trường tiêu thụ động vật hoang dã và mở cuộc điều tra về cách thức COVID-19 xuất hiện, lây lan từ Vũ Hán.

Yêu cầu điều tra - cũng như các lời tố cáo lặp đi lặp lại rằng Trung Quốc che đậy sự lây lan của căn bệnh - đã khiến Bắc Kinh tức giận.

sứ Trung Quốc tại Úc - Jingye Cheng - cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ quay lưng với hàng hóa Úc.
Đại sứ Trung Quốc tại Úc - Jingye Cheng - cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ quay lưng với hàng hóa Úc

Tháng 4/2020, Đại sứ quán Trung Quốc đã gọi Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton là “đáng thương”, “không biết gì” và là “quân bài” của Mỹ sau khi ông Dutton đề nghị Trung Quốc trả lời các câu hỏi về việc virus corona xuất hiện như thế nào.

Vào ngày 26/4, Đại sứ Trung Quốc tại Úc - Jingye Cheng - cảnh báo rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể ngừng mua sản phẩm của Úc để trả đũa.

Tranh chấp được đưa ra sau một năm nóng bỏng đối với quan hệ Úc - Trung cùng nhiều cuộc đụng độ về can thiệp chính trị liên quan đến hệ thống thiết bị 5G của hãng Huawei.

Cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc Geoff Raby nói với Daily Mail Australia rằng quan hệ ngoại giao hai nước đang "ở điểm thấp nhất kể từ khi bắt đầu 46 năm trước".

Trước đây, Trung Quốc nhiều lần sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế cho mục đích chính trị.

Có thể kể đến bao gồm khuyến khích tẩy chay xe hơi Hàn Quốc sau khi nước này triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ vào năm 2017 và lệnh nhập khẩu cấm cá hồi Na Uy sau khi nhà hoạt động xã hội gốc Trung Quốc Liu Xiaobo giành giải Nobel Hòa bình ở Oslo cùng năm.

Úc và Trung Quốc đã có thỏa thuận thương mại tự do từ năm 2015 nhưng một số nhà xuất khẩu vẫn gặp khó khăn khi quan hệ trở nên tồi tệ. Năm 2018 Bắc Kinh áp đặt các quy định hải quan mới đối với rượu vang Úc dẫn đến các lô hàng bị giữ ở Thượng Hải.

Linh La (Theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI