Trung Quốc bịa "liên quân 60" đấu lại "liên quân 8 nước" ?

21/06/2016 - 07:06

PNO - Áp lực trên Biển Đông quá lớn khiến Trung Quốc phải dùng đến chiêu cũ của mình. Tuy nhiên, lần này Trung Quốc đã có phần hơi "lỡ mồm" khi tuyên bố về con số 60 và nhận lại nỗi "ê chề" quá lớn.

Ngày 17/6, Manila Times dẫn nguồn tin riêng cho hay, Tòa án trọng tài thường trực (PCA) dự kiến sẽ đưa ra phán quyến về vụ kiện ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines vào ngày 7/7.

Trước "ngày phán xét", Trung Quốc đang chạy đua với thời gian nhằm "kiếm thêm" các quốc gia ủng hộ mình.

Trung Quoc bia
Lập trường của các quốc gia trên thế giới về vụ kiện Biển Đông

Trong thời gian này, Mỹ và các đồng minh, bao gồm các quốc gia trong nhóm G7, đang đồng lòng gây sức ép buộc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết.

Trung Quốc đã phản ứng bằng cách cáo buộc Mỹ đang mưu đồ “bá chủ”, liên tục phản đối PCA trong các bài xã luận trên báo chí trong nước lẫn các trang quảng cáo trên báo chí quốc tế, đồng thời lên tiếng tri ân hàng chục quốc gia mà nước này nói rằng thuận theo “công lý” để ủng hộ chính quyền Bắc Kinh.

Dù không công khai danh sách chính thức nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa con số hơn 40 nước ủng hộ hồi tháng trước, và đến tuần qua giới truyền thông trong nước đẩy lên mức 60.

Tuy nhiên, tờ The Wall Street Journal và Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, chỉ có 8 nước không công nhận phán quyết của PCA gồm: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho.

Đặc biệt, trong số các nước mà Trung Quốc nhận vơ là ủng hộ lập trường của họ, có 5 nước công khai phản ứng mạnh mẽ việc “khai khống” của Bắc Kinh.

Nhiều nước Ả Rập cũng được Trung Quốc tuyên bố rằng đang ủng hộ mình. Tuy nhiên, tuyên bố này chưa từng được công khai và Trung Quốc bào chữa rằng họ đang 'chuyển ngữ văn bản' khi nói về bản sao của tuyên bố này.

Nga, một thành viên HĐBA LHQ, cũng bị Trung Quốc cho vào danh sách ủng hộ của họ. Tuy nhiên, theo The Wall Street Journal, dù cho rằng không nên quốc tế hóa xung đột khu vực nhưng Moscow trước nay chưa hề lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh trong vụ kiện ở PCA.

Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS, cho hay, nhiều nước trên thực tế có vẻ như chọn cách không công khai phản đối Trung Quốc. Việc Bắc Kinh làm mọi cách để lôi kéo những nước khác cho thấy áp lực to lớn mà nước này đang đối mặt.

Lo sợ trước "liên quân 8 nước"

Mối lo ngại của Trung Quốc về khả năng "bị bao vây" trong vấn đề biển Đông đã tăng lên kể từ sau Đối thoại Shangri-La, diễn ra từ 3-5/6 vừa qua tại Singapore.

Trung Quoc bia
Trung Quốc bắt đầu lo sợ sau lời kêu gọi EU của Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian.

Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã có lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tham gia tuần tra biển Đông.

Ông Le Drian nêu rõ lập trường ủng hộ quyền tự do hàng hải trên biển Đông và giải quyết mâu thuẫn giữa các bên thông qua đàm phán.

Lời kêu gọi này không khác nào một cây chông lao thẳng về phía Trung Quốc trong hoàn cảnh nước này đang bị các nước lân cận và EU cô lập. Lo sợ bị "bao vây" bởi các nước lớn, ngay lập tức phía Trung Quốc đã có lời chỉ trích gửi đến Pháp.

MC Lý Vĩ của kênh Phượng Hoàng (Trung Quốc) cho biết, Bắc Kinh xem lời kêu gọi của ông Le Drian là động thái hô hào thành lập "liên quân 8 nước mới".

Theo khái niệm trên trang Baidu (Trung Quốc), "Liên quân 8 nước" chỉ sự kiện quân đội Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Ý và Áo-Hung xây dựng lực lượng chung để "tiến hành hành động quân sự xâm nhập vào Trung Quốc" năm 1900.

Để ngăn chặn việc "liên minh 8 nước" tái diễn, Trung Quốc cũng lớn tiếng cảnh cáo Mỹ - Nhật.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy trung ương Trung Quốc cảnh cáo các quan chức Bộ quốc phòng Nhật Bản hôm 4/6: "Nếu Nhật Bản và Mỹ triển khai cái gọi là tuần tra chung hoặc những hành động quân sự khác trên biển Đông thì Trung Quốc sẽ không để yên."

Sau khi Mỹ tuyên bố có khả năng đưa 2 nhóm tàu sân bay tới để "trấn áp" Trung Quốc ở biển Đông, tờ Hoàn Cầu đã chỉ trích liên minh Mỹ-Nhật là "có âm mưu xây dựng 'liên quân 8 nước' phiên bản hiện đại" để gây áp lực lên Bắc Kinh về quân sự, chính trị, ngoại giao.

Nhà nghiên cứu cao cấp Lưu Chí Cần của Đại học nhân dân Trung Quốc bình luận trên tờ Hoàn Cầu ngày 13/6 mập mờ chỉ trích Pháp cũng như Mỹ, Nhật.

Ông Lưu viết: "Nghe nói đã có nhiều quốc gia phương Tây bày tỏ quan tâm đến tình hình biển Đông, một số nước ngang ngược tuyên bố điều tàu tới. Có chuyên gia đã tính toán sơ bộ, rất có thể một 'liên quân 8 nước mới' sẽ xuất hiện để 'chơi đùa' trên biển Đông."

Ngoài ra, tại Shangri-La, Đại tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO đã nói rằng nói NATO không can thiệp quân sự ở biển Đông do "không có cơ sở pháp lý", nhưng ông khẳng định liên minh quân sự này sẽ hợp tác với các nước trong khu vực muốn phát triển khả năng quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo và cách thực hành tốt nhất về an ninh hàng hải.

Điều này đã khiến Trung Quốc có phần dè chừng và phải lên tiếng "đe" lại "liên quân 8 nước" cũng như cho theo dõi thám thính mọi hoạt động trên Biển Đông.
Và Trung Quốc cũng không quên dùng chiêu cũ đó là 'bịa'. Tuy nhiên, lần này Trung Quốc đã có phần hơi "lỡ mồm" khi tuyên bố về con số 60 và nhận lại nỗi "ê chề" quá lớn.

Đức Minh (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI