Trung Quốc bắt đầu bật đèn xanh cho hôn nhân đồng giới

08/01/2020 - 14:00

PNO - Trung Quốc đã tiến một bước theo hướng cho phép kết hôn đồng giới, một động thái được cho là chấm dứt nhiều năm phân biệt đối xử hà khắc đối với cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBTQ) ở nước này.

Kênh truyền hình Mỹ NBC News đưa tin, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội), cơ quan quyền lực cao nhất Trung Quốc, đã công khai thừa nhận kiến ​​nghị đòi hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, một diễn biến hiếm hoi kích hoạt cuộc thảo luận trên quy mô toàn quốc về một chủ đề vốn là điều cấm kỵ ở nước này.

Li Tingting hạnh phúc trong vòng tay của “vợ” Teresa Xu bên ngoài một thẩm mỹ viện ở Bắc Kinh, nơi hai người đang chuẩn bị cho đám cưới không chính thức của mình. Ảnh chụp tháng 7/2015 - Ảnh: AP
Li Tingting hạnh phúc trong vòng tay của “vợ” Teresa Xu bên ngoài một thẩm mỹ viện ở Bắc Kinh, nơi hai người đang chuẩn bị cho đám cưới không chính thức của mình. Ảnh chụp tháng 7/2015 - Ảnh: AP

Ông Peng Yanzi, giám đốc tổ chức LGBT Rights Advocacy China, tuyên bố họ “rất hạnh phúc và bất ngờ thú vị” khi hay tin, ông kỳ vọng chính quyền Trung Quốc cuối cùng cũng hòa vào trào lưu chung ở nhiều nước là chấp nhận cộng đồng LGBT.

Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949, quan hệ đồng tính đã bị cấm hoặc bị thẳng tay đàn áp. Tuy nhiên, chính sách mở cửa của Trung Quốc vào đầu thập kỷ 1980 đã tạo ra những biến đổi về văn hóa và xã hội khiến nước này “phi hình sự hóa” đồng tính vào năm 1997 và loại bỏ nó khỏi danh sách chính thức các rối loạn tâm thần vào năm 2001.

Thời gian này, các thành phố lớn ở đại lục chứng kiến ​​nhiều hình ảnh nam nữ đồng tính khi hệ thống các hộp đêm và quán ba mọc lên như nấm. Tuy nhiên, nhiều định kiến cố hữu đối với dân LGBTQ vẫn tồn tại, thể hiện qua phân biệt đối xử trong việc làm và bất bình đẳng trong hôn nhân.

Ngày 20/12, một người phát ngôn Quốc hội cho biết Ủy ban pháp luật đã nhận được hơn 230.000 đề nghị và thư trực tuyến đòi hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Chủ đề này đã kích hoạt 400 triệu lượt xem trên Weibo và gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Ở Trung Quốc, sau khi thu thập ý kiến công chúng, người ta sẽ soạn thảo dự luật và cân nhắc nhiều lần trước khi nó được hoàn thiện, sau đó công bố một lần nữa để lấy ý kiến ​​công chúng và đệ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành.

Gao Qianhui, một người đồng tính nữ 21 tuổi ở Thâm Quyến từng tham gia kiến nghị hôn nhân đồng giới nói “cô có cảm giác không thật”. Cô cho biết đó chỉ là một đề xuất và rất có thể nó sẽ không được hiện thực hóa trong một tương lai gần, nhưng việc công khai và chính thức thảo luận chủ đề này “mang lại hy vọng cho cộng đồng LGBT nhiều năm qua phải trốn tránh và đấu tranh”.

Hu Zhijun, giám đốc PFLAG, một nhóm vận động khác được đặt theo tên của nhóm quyền LGBTQ lớn ở Mỹ, cho biết, sự thay đổi đang diễn ra là "một bước tiến đầy triển vọng và tích cực".

Đối với môi trường quốc tế, luật hôn nhân đồng giới "có thể được Bắc Kinh sử dụng để cải thiện ‘tai tiếng nhân quyền’ của nước này", Timothy Hildebrandt, phó giáo sư chính sách xã hội Trường Kinh tế và Chính trị London, người có nhiều năm nghiên cứu vấn đề LGBT của Trung Quốc, nhận định.

Trong khi đó, cựu giáo sư kinh tế Hu Xingdou, một nhà bình luận độc lập các vấn đề xã hội tại Bắc Kinh, nói rằng việc Trung Quốc thay đổi lập trường về hôn nhân đồng giới phản ánh sự gắn kết lớn hơn của nước này với thế giới bên ngoài. Ông nói, “Trong quá trình toàn cầu hóa, Trung Quốc không thể không tính đến các hệ thống pháp lý đang thay đổi ở các quốc gia khác và sẽ cố gắng tham gia vào dòng chảy chính của toàn cầu".

Thanh Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI