Trung Quốc: Báo hiếu khó lắm!

10/08/2014 - 10:00

PNO - PNCN - Truyền thống Trung Quốc có câu “dưỡng nhi đãi lão”, nhưng giờ đây trước viễn cảnh số người trên 60 tuổi cán mức 350 triệu vào năm 2030, chuyện báo hiếu ông bà cha mẹ có nguy cơ trở thành cổ tích.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trung Quoc:  Bao hieu kho lam!

Đến năm 2030, dự báo một phần tư dân số TQ trên 60 tuổi - Ảnh: Sina

Giống như triệu triệu người Trung Quốc (TQ) khác, bà góa phụ 51 tuổi He Xiangying hàng ngày tự hỏi “về già ai sẽ nuôi mình?”. Hiện tại bà làm vú nuôi cho một cặp vợ chồng trẻ khá giả ở Bắc Kinh. Mỗi tháng bà Xiangying dè sẻn để gửi tiền về quê nuôi con trai đang thất nghiệp. Đứa con - do chính sách một con không có anh chị em - tự nuôi thân còn khó, nói gì đến chăm sóc mẹ già nay ốm mai đau.

Các nhà dân số học TQ dự báo đến năm 2030, một phần tư dân số TQ trên 60 tuổi, tăng gấp đôi mức hiện tại. Mức tăng quá nhanh này không chỉ trở thành gánh nặng cho đất nước đông dân nhất thế giới, mà còn đe dọa những giá trị gia đình tồn tại mấy ngàn năm nay.

TQ sẽ thiếu nhân công nghiêm trọng, còn những người trẻ phải gồng mình nuôi cha mẹ, ông bà đã quá tuổi lao động. Vấn đề là rất đông người trẻ bây giờ kiếm đủ ăn đã khó, không đủ điều kiện để báo hiếu cha mẹ, ông bà.

Nhà dưỡng lão và lương hưu đủ sống là giải pháp hợp lý nhất để giải quyết bài toán người già. Thế nhưng, mặc dù đã cố hết sức, TQ vẫn loay hoay với chuyện xây cất nhà dưỡng lão và cải tiến chế độ lương hưu. Theo Bộ Dân sự của nước này, TQ chỉ mới bảo đảm chỗ nuôi dưỡng cho 25/1.000 người già. Việc cải tiến lương hưu cũng gặp trở ngại. Chính phủ đã đưa ra nhiều dự thảo theo hướng tăng mức thu bảo hiểm xã hội và kéo dài tuổi hưu so với hiện tại (nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi), tuy nhiên vẫn chưa có dự thảo nào thành luật.

Trung Quoc:  Bao hieu kho lam!

Cha mẹ thích được con cái chăm sóc hơn - Ảnh: Guardian

Ở ngoại ô Bắc Kinh, một khách sạn ba sao đã được cải tạo thành nhà dưỡng lão Yigangnian, chứa được 300 người. Mỗi người có phòng riêng nhỏ gọn, đơn giản. Họ có thể đánh mạt chược hoặc chơi bài giải trí. Vấn đề là giá cả quá đắt. Lương hưu hàng tháng hiện nay từ 300 đến 2.000 nhân dân tệ (1 NDT = 3.437 VNĐ). Trong khi đó, muốn vào nhà dưỡng lão của Nhà nước phải trả 8.000 NDT/tháng. Mà dẫu có tiền cũng không dễ vào ở. Trung Quốc hiện mới có năm triệu nhà dưỡng lão, chỉ đủ đáp ứng 3% người già. Sự hạn chế này còn có một nguyên nhân khác: thiếu lao động chuyên môn. Thanh niên có những ước mơ khác hấp dẫn hơn nghề chăm sóc người già. Ngoài ra, còn có tâm lý e ngại của cả hai phía. Người già không muốn vào ở nhà dưỡng lão vì nghĩ rằng đó là nơi chuẩn bị cho cái chết cô độc, con cái thì sợ dư luận chê cười là “đồ bất hiếu”.

Trung Quoc:  Bao hieu kho lam!

Nhà dưỡng lão ở Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Nền văn hóa Trung Hoa rất đề cao chuyện hiếu nghĩa, thế nhưng, truyền thống là một chuyện, thực tế là chuyện khác. Chính phủ cho rằng phần lớn người già nên ở nhà, con cái chỉ cần thuê người chăm sóc phụ huynh nếu không có điều kiện tự làm lấy. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức quá lớn. Tiền thuê mướn không hề rẻ và cha mẹ thích được con cái chăm sóc hơn.

Đầu tháng Bảy, bốn thành phố lớn của TQ đề xuất một giải pháp táo bạo: khuyến khích người về hưu bán nhà, gửi tiền tiết kiệm, mỗi tháng hưởng lãi suất để tự nuôi sống. Ý kiến này bị phản ứng tức khắc. Nhiều người chỉ trích chính quyền phá hoại truyền thống tốt đẹp, theo đó, cha mẹ luôn để lại cái gì đó cho con cháu.

Tháng 7/2013, TQ ban hành luật “Bảo vệ quyền lợi người cao tuổi”, trong đó có điều khoản buộc con cái chăm lo nhu cầu tình cảm và vật chất cho cha mẹ lúc về già. Pháp, Ấn Độ, Ukraine, một số vùng ở Canada và 29 bang của Mỹ cũng có luật tương tự.

Vì vậy, đã có một vụ kiện mà truyền thông TQ làm rùm beng. Ngày 19/3/2013, bà Zhang Zefang, 93 tuổi, kiện con dâu bỏ bê và không chu cấp tiền bạc. Vụ kiện được xử rất nhanh: Tòa ra lệnh con dâu phải về thăm mẹ chồng tổng cộng bốn tháng một năm và chu cấp mỗi tháng một số tiền nhỏ.

TRỌNG NGHĨA (Theo Le Nouvel Observateur và Le Figaro)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI