Ở tuổi 44, Nick King, làm việc tại một văn phòng luật được lãnh một suất tiền thưởng đột xuất. Thật đúng lúc, anh điền ngay vào một tấm ngân phiếu trị giá vài ngàn bảng; không phải để mua xe hơi thể thao đắt tiền, hay du lịch vòng quanh thế giới. Tấm ngân phiếu dành để trả cho một khóa tập thể hình cấp tốc trong 12 tuần tại một trung tâm thể thao cao cấp - tức là anh phải cam kết tập ba khóa mỗi tuần, bỏ hẳn rượu bia và theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt.
Sau một năm, anh giảm hơn 45 ký, bơi qua kênh đào nước Anh, chạy việt dã và tham gia giải bơi lội 28 dặm từ Capri đến Naples. “Ban đầu chỉ là dự kiến thay đổi thể hình, nhưng tinh thần và cảm xúc của tôi đã được cải thiện đáng kể” - Nick chia sẻ.
Đã qua rồi cái thời khủng hoảng tuổi trung niên thể hiện qua các sự việc như chạy trốn khỏi hôn nhân hiện tại, hay bốc đồng mua siêu xe để chơi trội. Ngày nay, tuổi trung niên “nổi loạn có mục đích” hơn: thay vì đổi vợ già lấy vợ trẻ, người ta có khuynh hướng đổi nghề nghiệp nhiều hơn.
Kim Kardashian West (40 tuổi) đang đi học để trở thành luật sư hình sự với mục đích mở văn phòng luật riêng nhằm cải tổ hệ thống giam giữ tội phạm. “Chỉ cần biết rằng tôi có thể làm một điều gì đó khác đi cho cuộc sống của con mình và những người khác là tôi thấy có động lực ngay tức khắc”- cô nói. Hay nhà báo Chris Evans bắt đầu chạy bộ năm 48 tuổi, đến nay ông đã hoàn thành sáu giải marathon trong vòng 5 năm.
Cụm từ “khủng hoảng tuổi trung niên” (midlife crisis) do nhà tâm lý học Elliott Jaques đưa ra năm 1965 và thường chỉ nhắm vào đàn ông. “Theo nghĩa đơn giản nhất, khủng hoảng tuổi trung niên thường xảy ra khi bạn bước vào độ tuổi cuối 30, đầu 40 trở đi, và bạn cảm thấy mình chưa đạt được những thành tựu bạn nghĩ mình phải làm được vào thời gian này. Cùng lúc đó, trong sâu thẳm, bạn hiểu rằng quỹ thời gian cho mình không còn nhiều nữa để thực hiện những điều đó”- giáo sư Mark Jackson, trường đại học Exeter giải thích.
Các nghiên cứu trên 132 nước cho thấy, ở khoảng tuổi 42 là lúc đa phần người ta buồn chán nhất, khủng hoảng tuổi trung niên dễ bộc phát nhất. Ada Calhoun, tác giả cuốn sách Why We Can’t Sleep (Tại sao chúng ta không thể ngủ) cho thấy bản thân cô và ngày càng nhiều phụ nữ thế hệ X thức dậy nửa đêm để tự hỏi, liệu những cuộc chơi trong đời họ đều là những lựa chọn sai lầm?
Không giống như các thế hệ đi trước, khi bước vào tuổi trung niên, cũng là lúc con cái đã rời tổ ấm. Tuổi trung niên hiện nay là lúc người ta đối diện sự cực đỉnh của stress trong công việc và cả cuộc sống gia đình.
Ảnh minh họa
Thế hệ X là thế hệ đầu tiên cho rằng họ có thể có tất cả, và khi bước vào tuổi trung niên, là lúc họ nhận ra rằng họ không thể. Họ nghĩ rằng tuổi trung niên là tuổi họ có sự nghiệp viên mãn, giàu có hơn hẳn cha mẹ họ, nhưng thực tế họ lại đạt được rất ít, nếu không muốn nói là không đạt được gì. Thế hệ này cũng có nhiều lựa chọn hơn các thế hệ trước, tuy nhiên điều này cũng mang lại sự lo lắng bồn chồn để có sự lựa chọn đúng.
Nghiên cứu của các trường đại học cho thấy, khủng hoảng tinh thần ở tuổi 42 xảy ra nhiều hơn so với các thế hệ trước đây. Kết hôn và có con muộn cũng góp phần vào việc này, vì đây là độ tuổi họ vừa phải chăm con nhỏ, vừa chăm sóc người thân đã già yếu. Công việc của họ cũng ít chắc chắn hơn, và họ cũng không có một quỹ hưu trí rủng rỉnh như những người đi trước họ.
Thay vì đánh dấu tuổi trung niên bằng những khủng hoảng xa xỉ như mua xe hơi đắt tiền, cặp bồ nhí, họ làm những công việc thiết thực có ý nghĩa cho bản thân hơn. Geraldine Morelli đã lập gia đình, có hai con nhỏ, và một căn nhà xinh ở London. Nhưng mỗi sáng thức dậy, cô đều cảm thấy trống rỗng.
Cô không muốn đến chỗ làm, chiều về nhà lại không muốn gặp chồng. Cuối cùng, cô có 9 tháng để nhìn nhận lại cuộc sống của mình, và tập trung vào dự án cô đã tham gia hai năm trước - tổ chức từ thiện bảo tồn thiên nhiên ở châu Phi có tên gọi Wild & Free: “Nếu cái này gọi là khủng hoảng tuổi trung niên thì tôi phải làm cái khủng hoảng này cho ra trò” - cô chia sẻ.
Trong 9 tháng, cô ghi ra tất cả mọi điều trong cuộc sống của mình: sự nghiệp, từ thiện, gia đình, nơi sinh sống. Cô tự hỏi cô muốn thay đổi điều gì? Cuối cùng, cô nhận thấy sự nghiệp và hôn nhân là hai điều cô muốn thay đổi: “Tôi từ chức, ly hôn và dọn ra ngoài năm 2007”.
Tương tự như Geraldine Morelli, Paul Bridgeman nghỉ việc ở tuổi 46 sau gần hai thập niên làm kinh doanh. Anh đăng ký học làm giáo viên và đứng lớp cho đến nay. Hiện anh đã 51 tuổi và không hề cảm thấy hối tiếc vì quyết định đó.
Nhà tâm lý học Michelle Scott cho rằng khủng hoảng tuổi trung niên cũng là dịp để người ta nhìn lại cuộc đời và tạo ra cơ hội, kiểm chứng xem mình muốn gì trong cuộc sống. Như Nick kết luận: “Với số tiền đóng cho phòng gym, tôi đã có thể mua một chiếc xe hơi đắt tiền. Nhưng đến phòng gym là sự đầu tư tốt nhất tôi đã từng làm”.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.