Trùng hợp lạ lùng của những mối tình giữa hai họ Trịnh - Mạc

03/11/2015 - 07:37

PNO - Họ Mạc lật đổ triều Lê, họ Trịnh thì “phù Lê diệt Mạc” thế nhưng giữa hai dòng họ này lại có những mối tình trùng hợp nhau đến lạ lùng.

Làm tướng Nam chinh, bị ép tình làm rể

Nhằm tiêu diệt lực lượng nhà Lê Trung Hưng, tháng 7 năm Qúy Dậu (1573), Khiêm vương Mạc Kính Điển đem quân đánh vào Thanh Hóa nhưng bại trận, sử chép: “Quân Mạc lấn đánh dinh Yên Trường, quan quân thu vào trong lũy để tỏ là yếu. Ngày sau giặc lại đắp thêm lũy, định sang đò Đoạn Trạch. Tiết chế Trịnh Tùng đem binh thuyền chia đánh, phá tan, giặc trốn về” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong trận này, em họ vua Mạc Tuyên Tông là Mạc Đạo Trai bị bắt. Chúa Trịnh Tùng thấy người tuấn tú, khôi ngô, giỏi cả văn võ nên muốn thu phục. Để dụ hàng, chúa Trịnh đem con gái Trịnh Thị Nhân gả cho Mạc Đạo Trai. Trong tình thế ấy, để giữ mình chờ cơ hội trốn thoát nên ông đành chấp nhận.

Trung hop la lung cua nhung moi tinh giua hai ho Trinh - Mac
Mối duyên cưỡng ép (Tranh minh họa)

Chúa Trịnh Tùng nhiều lần tìm cách chiêu dụ nhưng Mạc Đạo Trai vẫn giữ lòng trung với triều Mạc, chính vì thế ông bị quản thúc, theo dõi rất chặt. Biết không thể thoát được, lại bất lực trước cảnh bại vong của nhà Mạc và để giữ khí tiết, ông đã tự vẫn.

Quận chúa Trịnh Thị Nhân rất đau buồn, vì chưa có con nên bà lấy một người cháu chồng là Mạc Hữu Đạo làm con và ở góa thủ tiết thờ chồng đến trọn đời.

Chúa Thao, từ tù binh trở thành Quận mã

Năm Nhâm Thìn (1592) quân nhà Lê do Trịnh Tùng chỉ huy phản công đánh ra bắc, quân Mạc thua to. Vua Mục Tông Mạc Mậu Hợp bỏ kinh đô chạy trốn nhưng bị bắt tại Phượng Nhãn (nay thuộc Yên Dũng, Bắc Giang) rồi đưa về Thăng Long xử chém tại Bồ Đề.

Trong số những người bị bắt, có con thứ 18 của Mạc Mục Tông là Mạc Thao (gọi là chúa Thao). Trịnh Tùng thấy còn ít tuổi mà đối đáp cứng cỏi, có khí phách nên không nỡ giết, sai bỏ ngục để dụ hàng.

Trung hop la lung cua nhung moi tinh giua hai ho Trinh - Mac
Vì thương, cảm phục rồi yêu (Tranh minh họa)

Thời gian trôi qua, một hôm cai ngục dẫn Mạc Thao ra phố, tình cờ gặp con gái thứ 3 của chúa Trịnh cưỡi voi đi dạo. Thấy Mạc Thao trẻ tuổi, đẹp trai bèn gọi lại hỏi chuyện, biết là con vua Mạc thua trận bị bắt, Quận chúa đem lòng yêu, về đến phủ cứ nhớ nhung tương tư, thuốc thang mãi không khỏi. Chúa Trịnh xót xa, tìm nhiều lương y đến chữa trị mà không được, sau có mụ hầu cho biết Quận chúa vì nhớ Mạc Thao mà như vậy.

Vẫn có ý thu phục, Trịnh Tùng bàn với gia tướng dùng con gái làm kế mỹ nhân để dụ hàng. Từ đó Mạc Thao thành Quận mã họ Trịnh trong 10 năm, có được hai con trai, lại khôn khéo tránh được những dò xét nên được chúa Trịnh tin tưởng, không đề phòng nữa.

Một hôm, Mạc Thao bí mật đem người con lớn trốn lên Cao Bằng. Không may vừa qua sông Nhị Hà (sông Hồng) thì bị phát hiện, cùng đường hai cha con ôm nhau nhảy xuống sông tự tử. Quận chúa nghe tin khóc than rồi cũng ra sông chết theo. Chúa Trịnh thương xót lập miếu thờ gọi là miếu Trung Tiết.

Phận con tin làm rể chúa Trịnh

Từ khi mất Thăng Long, một số tôn thất nhà Mạc đem tàn binh đóng giữ Cao Bằng, khống chế được một số vùng ở Lạng Sơn, Thái Nguyên… và thay nhau xưng vua được thêm vài đời, sử gọi là nhà Mạc thời suy tàn.

Đời Khánh vương Mạc Kính Khoan vì thế lực yếu, quân Mạc nhiều lần thất trận trước các cuộc tấn công của quân nhà Lê, “liệu thế không chống nổi bèn bàn với các tướng tá: Chi bằng dâng thư xin hàng làm kế sách giữ thân, rồi sau hãy liệu mưu kế khác… Mọi người cho là phải. Ngài dâng biểu về triều Lê, sai con là Kính Dụng về kinh làm con tin” (Nam triều công nghiệp diễn chí).

Chúa Trịnh Tráng hỏi quân tình, Mạc Kính Dụng nhất định không nói, tỏ thái độ rất anh hùng. Cho là người thông minh khôi ngô, có chí khí, chúa chỉ quản thúc, đối đãi tử tế để tìm cách dụ hàng.

Trung hop la lung cua nhung moi tinh giua hai ho Trinh - Mac
Tình cờ gặp gỡ thành duyên (Tranh minh họa)

Một năm, nhân Tết Đoan Dương mồng 5/5, con gái chúa Trịnh đi dạo, tình cờ gặp Kính Dụng, qua trò chuyện, nàng thấy thương tình muốn xin tha cho Kính Dụng được  về Cao Bằng và cũng có ý trốn đi theo chàng.

Thương yêu mà không giúp được gì, Quận chúa sinh bệnh. Biết được căn nguyên, Trịnh Tráng bèn gả con gái cho Kính Dụng, lại sai người lên Cao Bằng khuyên Khánh vương Kính Khoan quy thuận triều đình, nhờ đó mà “trong khoảng 10 năm, biên thùy yên ổn” (Đại Việt thông sử).

Tương truyền Kính Dụng làm rể chúa Trịnh được 10 năm và có được 3 con trai, được chúa tin yêu nhưng vẫn có ý ngờ vực. Có lẽ sau này Mạc Kính Dụng trốn được, sử chép ông chiếm giữ huyện An Bác (nay thuộc Lạng Sơn), xưng là Uy Vương vào tháng 8 năm Mậu Tuất (1598). Nhưng không lâu sau bị quân nhà Lê bắt được đem về kinh giết chết ở chợ Cửa Đông vào ngày 28 tháng 10 năm Mậu Tuất (1598).

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI