Asma Ibrahim, một phụ nữ thất nghiệp đang sống trong căn lán trại chật chội ở một khu dân cư nghèo thuộc tỉnh Akkar, miền bắc Lebanon, không hiểu vì sao mình liên tục bị từ chối quyền nhận trợ cấp từ chính phủ. Khoản phí hỗ trợ dành cho những người có mức thu nhập thấp nhất cả nước, là giải pháp hiệu quả vốn có thể cứu 5 đứa con nhỏ của cô khỏi cảnh đói ăn thường trực.
"Nhiều người đang cần được giúp lại không nhận được bất kì hỗ trợ gì”, người phụ nữ không khỏi thất vọng khi thuật lại vấn đề. “Tôi đã gọi đến đường dây nóng của chính phủ 2 lần mỗi tuần để hỏi thăm tình huống của mình. Tôi không hiểu nổi vì sao hơn một năm qua, đơn xin trợ cấp của tôi vẫn chưa được duyệt”.
Không nghe thấy bất kì lời giải thích nào, Ibrahim càng buồn giận khi biết một số hàng xóm trong khu vực cô sống đã được nhận trợ cấp đói nghèo. “Tôi không biết nên phản ứng thế nào nữa”, cô nói.
|
Một người mẹ và con gái nhặt phế liệu ở thủ đô Tunis, Tunisia. Quốc gia Bắc Phi là một trong số 40 nước đang áp dụng phần mềm xét duyệt trợ cấp đói nghèo tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới. (Ảnh: Reuters) |
Công nghệ - “con dao hai lưỡi”
Lebanon là 1 trong số 9 quốc gia Ả Rập đang sử dụng một chương trình máy tính đánh giá mức độ đói nghèo, được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới. Chương trình có nhiệm vụ phân loại, đánh giá đơn xin trợ cấp phúc lợi của người dân dựa trên hàng chục nguồn dữ liệu khác nhau.
Phần mềm xét duyệt tiêu chuẩn trợ cấp có tên PMT (Proxy Means Testing) rà soát nhiều yếu tố như nhân khẩu, nơi cư trú, tài sản sở hữu (gia súc, ô tô,..) của người đăng ký xin trợ cấp. Thế nhưng, chi tiết về nguồn gốc các dữ liệu xã hội học này không được tiết lộ công khai ở những quốc gia đang triển khai PMT.
Phương thức “số hóa” được tin rằng có thể đem lại hiệu quả quản lý phúc lợi công bằng, thiết thực vì người nghèo. Tuy nhiên hiện nay, giới nghiên cứu và hoạt động xã hội lo ngại công cụ điện tử lại đang gây ra không ít lỗi sai, khiến người dân chịu thiệt.
“Trên thực tế, các thuật toán chỉ nắm bắt được một mặt ‘tĩnh’ về bối cảnh sinh hoạt, đời sống con người trong khoảng thời gian nhất định. Phần mềm không thể nhìn nhận, suy xét đến toàn bộ tình cảnh khốn khó của người nghèo”, Amos Toh, nhà nghiên cứu về nhân quyền và trí tuệ nhân tạo (AI) làm việc cho tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (trụ sở tại Hoa Kỳ), nhận định.
Đơn vị của Toh vừa công bố một báo cáo điều tra, chỉ ra: nhiều hộ nghèo ở Jordan đang bị từ chối quyền nhận hỗ trợ tài chính thiết yếu. Chương trình quản lý phúc lợi quốc gia Trung Đông này sử dụng phần mềm có tên Takaful, gây tranh cãi vì khung đánh giá đói nghèo đã trở nên lỗi thời.
|
Khu nhà ổ chuột tại Tripoli, thành phố lớn nhất của miền bắc và nghèo nhất Lebanon. (Ảnh: AP) |
Nỗi bất bình dai dẳng
“Một phần vấn đề, quả thật đến từ hệ thống dữ liệu lạc hậu”, Chad Anderson, một cố vấn viên về các dự án bảo trợ xã hội, chia sẻ. “Nhiều quốc gia đã không cập nhật dữ liệu cho phần mềm quản lý của họ suốt hàng tháng, thậm chí hàng năm liền. Vì lẽ đó, những thuật toán có nhiệm vụ kiểm định, xét duyệt hộ nghèo giờ đây gần giống như một ‘hệ thống xổ sổ’ luôn đi kèm yếu tố may rủi”.
PMT hiện áp dụng tại Lebanon và Yemen khai thác dữ liệu xã hội học đã tồn tại từ hơn 10 năm trước. Biến động kinh tế và thu nhập người dân thay đổi qua từng năm có khả năng dẫn đến kết luận sai lệch của phần mềm máy tính.
Theo Chương trình xóa đói giảm nghèo quốc gia, Ibrahim cùng người chồng tật nguyền và 5 con nhỏ của họ đáng lý đã đủ chuẩn để nhận trợ cấp từ chính phủ Lebanon, với mức hỗ trợ 145 USD (hơn 3,5 triệu VND) mỗi tháng. “Chính sách phúc lợi thế này thật không công bằng”, Ibrahim nói.
Ngân hàng Thế giới cung ứng phần mềm PMT cho 40 quốc gia, bao gồm các nước nghèo thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Tổ chức này vừa đưa ra phản hồi chính thức: “Đáng tiếc, không có phương pháp xét duyệt phúc lợi nào là hoàn hảo. Chúng tôi luôn cố gắng giải quyết thỏa đáng mọi trục trặc phát sinh. Mặt khác, chúng tôi ghi nhận, chính phủ mỗi nước đã nỗ lực đầu tư xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại vì quyền lợi người dân”.
|
Một phụ nữ đi chợ tại miền nam Lebanon. Ước tính 80% người dân quốc gia này đang thuộc diện đói nghèo, 36% dưới mức nghèo cùng cực. (Ảnh: REUTERS) |
Tuy gây tranh cãi, giới chuyên gia không thể phủ nhận vai trò cần thiết của những phần mềm quản lý phúc lợi. Sikandra Kurdi, chuyên viên thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế (tổ chức phi lợi nhuận trụ sở tại Hoa Kỳ, đang cộng tác cùng Ngân hàng Thế giới trong các dự án chống đói nghèo) tin rằng, sử dụng công cụ điện tử là chọn lựa thích hợp với những quốc gia chưa đủ khả năng triển khai hệ thống bảo trợ xã hội mang tính toàn diện, hiệu quả hơn.
“Đương nhiên, công nghệ luôn tồn tại một số mặt chưa đạt. Dù vậy, nếu nhìn tổng thể, chương trình như PMT là giải pháp phù hợp hoàn cảnh hiện nay”, Kurdi nhận xét.
Từ năm 2019-2021, phần mềm quản lý phúc lợi của Jordan đã giúp giảm 0,7% tỉ lệ đói nghèo (vào năm 2019) và 1,4% (năm 2021) – theo báo cáo công bố hồi tháng 6 năm nay bởi Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2023, phần mềm máy tính lập kỷ lục với 220.000 người được duyệt trợ cấp đói nghèo, con số cao nhất trong khu vực Trung Đông.
Như Ý (theo Reuters)