Trùng đề thi văn vào lớp 10 ở Quảng Bình: Sự 'lười biếng' trong tư duy ra đề?

05/06/2019 - 07:23

PNO - Hai đề thi do hai đơn vị khác nhau thực hiện nhưng lại giống nhau từ ngữ liệu đến câu hỏi. Phải chăng người ta đã quá cẩu thả trong việc ra đề - thước đo quan trọng của một kỳ thi?

Hôm nay 5/6, hơn 6.400 thí sinh thi vào lớp Mười của tỉnh Quảng Bình sẽ thi lại môn ngữ văn vì những sự số không phải do các em gây ra. 

Trước đó, ngày 3/6, thí sinh của tỉnh này dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười THPT và THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Kết thúc buổi thi môn ngữ văn, giáo viên và thí sinh xôn xao đề thi này gần giống với đề kiểm tra học kỳ II của Phòng GD-ĐT TP.Đồng Hới.

Trung de thi van vao lop 10 o Quang Binh: Su 'luoi bieng' trong tu duy ra de?

Thí sinh dự thi vào lớp Mười tại Hội đồng thi Trường THPT Đào Duy Từ, TP. Đồng Hới

Theo phân tích của giới chuyên môn, hai đề thi giống nhau từ cấu trúc đến nội dung khoảng 70-80%. Đề thi văn lớp Mười do Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình ra, còn đề văn lớp Chín do Phòng GD-ĐT TP.Đồng Hới ra, đều có cấu trúc hai phần chính là đọc hiểu và làm văn. 

Ở phần đầu tiên, cả hai đề đều dùng chung ngữ liệu từ câu chuyện Hoa hồng tặng mẹ trong cuốn Quà tặng cuộc sống của nhà xuất bản Trẻ. Một đề yêu cầu rút ra bài học mình tâm đắc nhất, đề còn lại yêu cầu rút ra thông điệp của văn bản. Cả hai đề đều có bốn yêu cầu nhỏ. 

Tiếp đến phần làm văn, một đề yêu cầu viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của thí sinh về lòng hiếu thảo, đề còn lại yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về tình mẫu tử. Yêu cầu thứ hai của phần làm văn gần như “sao y” nhau khi đều yêu cầu phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê.

Ban đầu, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh này cho rằng hai đề thi tương đối giống nhau đó chỉ là sự trùng hợp “ngẫu nhiên”. Nhưng đến ngày 4/6, sở này đã quyết định tổ chức cho toàn bộ thí sinh thi lại vì lý do đề thi giống với đề kiểm tra học kỳ II của Phòng GD-ĐT TP.Đồng Hới và sự cố giám thị ký nhầm bài thi. 

Một tổ trưởng ngữ văn tại TP.HCM đề nghị không nêu tên phân tích: “Hai đề thi do hai đơn vị khác nhau chủ trì mà giống nhau đến mức độ này thì có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, có thể do “ý tưởng lớn” gặp nhau nhưng tôi bác lý do này vì quy trình ra đề rất khó để có sự trùng hợp mức độ lớn đến vậy. Tôi nghiêng về nguyên nhân do bộ phận làm đề không chịu dụng công tư duy để gia cố các câu hỏi cũng như tìm kiếm ngữ liệu khác. Sách cũng không chỉ có 1-2 quyển để trùng hợp giống nhau đến cả việc chọn cùng đoạn trích. Cũng không loại trừ khả năng họ dựa vào đề thi từ các đơn vị gửi lên, chỉ chỉnh sửa đôi chỗ dẫn đến sự giống nhau kỳ lạ này”.  

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, quy trình làm một đề thi tuyển sinh vào lớp Mười là sản phẩm của tập thể. Giáo viên giỏi, các tổ chuyên môn ở các trường THCS sẽ làm ra thật nhiều đề nộp về Phòng Giáo dục trung học của Sở GD-ĐT. Phòng này sẽ lựa chọn các câu hỏi, có thể thay đổi cho hay hơn, phù hợp hơn để làm thành khoảng 30 bộ đề, niêm phong và chuyển về Phòng Khảo thí. Đơn vị khảo thí sẽ kiểm tra xem những bộ đề này có phù hợp với tiêu chí của kỳ thi hay không rồi lại niêm phong đánh mã số. Lãnh đạo sở sẽ bốc thăm chọn ra khoảng 10 bộ đề đưa về ban ra đề. Ban ra đề bao gồm nhóm làm đề và bộ phận phản biện để làm ra những bộ đề. Từ đó, chủ tịch hội đồng thi sẽ chọn ra đề thi chính thức (và dự bị) và đưa vào sao in đề thi. 

Nếu tuân thủ quy trình ra đề chặt chẽ, khó có chuyện trùng đề thi văn đến mức như vậy.  

Có ý kiến cho rằng việc trùng đề sẽ có ưu thế cho những thí sinh tại TP.Đồng Hới nên cần phải thi lại để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh. Nhưng, một lần thi là một lần áp lực cho người thi. Có sai hay đúng, cũng là chuyện của người lớn. Cuối cùng, người lo lắng, mệt mỏi, đối diện với áp lực, một lần nữa vẫn là học trò. 

Tiêu Hà - Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI